Giá muối giảm; Hà Nội sôi động hàng chống nóng; Giá cà phê Tây Nguyên xuống 40,2 triệu đồng/tấn; Dưa chuột giảm giá; Giá tôm thẻ ở Sóc Trăng đang ở mức thấp; ..

Hà Nội: Sôi động hàng "chống nóng"

Những ngày qua, Hà Nội hứng chịu đợt nắng nóng lên tới 38 độ, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân. Cũng vì thế, thị trường điện máy, điện lạnh trở nên sôi động do người dân đổ xô đi mua hàng "chống nóng" với lượng tiêu thụ tăng gấp 4 - 5 lần so với thời điểm trước đó.

Tại các phố tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh hàng chống nóng như Nguyễn Lương Bằng, Điện Biên Phủ, Trương Định, Hai Bà Trưng..., lượng hàng bày bán nhiều, đa dạng, phong phú và khách vào ra nhộn nhịp. Những mặt hàng thông dụng được người tiêu dùng lựa chọn vẫn là thương hiệu Điện cơ Thống Nhất, Điện cơ 91, Asia... với các chủng loại quạt đứng, quạt treo tường, quạt để bàn. Các loạt quạt cao cấp có điều khiển từ xa, có chế độ phun sương nhập ngoại của Panasonic, Kangaroo... cũng được nhiều người quan tâm. Giá bán cũng khá phong phú, từ 300.000 - 400.000 đồng với hàng "bình dân" hay cao cấp hơn là 1.500.000 - 2.500.000 đồng cho quạt nhập ngoại.

Để thu hút khách, hiện các siêu thị điện máy, điện lạnh trên địa bàn Hà Nội đã chú trọng tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực giao nhận - lắp đặt hàng hóa theo yêu cầu của khách và sẵn sàng tăng ca trong những ngày cao điểm. Riêng bộ phận kho vận phải luôn túc trực nhằm đảm bảo nguồn cung tại hệ thống đầy đủ.

Theo đánh giá của nhiều người, trong thời gian tới Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước sẽ đón nhiều đợt nắng nóng khác với nền nhiệt có thể cao hơn; do vậy nhu cầu về các sản phẩm làm mát, giải nhiệt vẫn tiếp tục "nóng".

Giá muối giảm

Dù thời tiết thuận lợi, sản lượng muối đạt khá cao, nhưng không vì thế mà người làm muối ở Ninh Thuận phấn khởi bởi giá muối thời gian gần đây liên tục giảm mạnh. Với giá bán muối từ 500 đồng đến 550 đồng/kg hiện nay, người làm muối ở Ninh Thuận có lãi đôi chút, nhưng không thấm vào đâu, bởi vì chi phí đầu tư và công sức bỏ ra làm nên hạt muối không phải là nhỏ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, hiện nay Ninh Thuận vẫn là "thủ phủ" về muối so với cả nước, với diện tích 2.673 ha, trong đó muối diêm dân gần 536 ha, muối công nghiệp gần 2.173 ha. Trong 4 tháng đầu năm, dù diện tích sản xuất muối tăng gần 300 ha, sản lượng muối đạt 136. 559 tấn, tăng hơn 31.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó muối diêm dân đạt hơn 59.000 tấn, tăng hơn 14.000 tấn so với cùng kỳ năm 2013, nhưng diêm dân vẫn không vui gì bởi muối rơi vào tình trạng rớt giá.

Giá cà phê Tây Nguyên xuống 40,2 triệu đồng/tấn
Sáng nay, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm 100 nghìn đồng/tấn xuống 39,8-40,2 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê Robusta giao tại cảng TPHCM giá FOB giảm 7USD xuống 2.016 USD/tấn, trừ lùi 75 USD so với giá giao tháng 7 trên sàn London.

Giá cà phê trong nước sáng nay tiếp tục giảm nhẹ theo đà giảm của giá Robusta và Arabica thế giới phiên giao dịch vừa qua.

Giá tôm thẻ ở Sóc Trăng đang ở mức thấp

Hiện nay, giá tôm tại Sóc Trăng giảm mạnh và đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm nay. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái mua ở mức 85 ngàn đồng/kg, loại 80 con giá còn 95 ngàn đồng/kg, loại 50 con được trên 135 ngàn đồng/kg, mức giá này giảm so với thời điểm cách đây 2 tháng từ 30 - 40 ngàn đồng/kg.

Tuy nhiên, với loại tôm sú và tôm thẻ cỡ lớn từ 30 - 40 con/kg hiện giá có giảm nhưng vẫn còn khá cao, tôm sú 30 con/kg có giá gần 200 ngàn đồng/kg, tôm thẻ 30 con/kg có giá 170 - 180 ngàn đồng/kg. Theo một số hộ nuôi tôm ở Vĩnh Châu, tôm cỡ lớn như vậy ít người nuôi, lượng tôm không nhiều và nhằm thời điểm cũng bị thương lái ép giá xuống do thị trường tiêu thụ chậm.

Ngoài việc giá tôm xuống thấp, người nuôi tôm Sóc Trăng còn đối mặt với thiệt hại do mùa mưa đã bắt đầu và dịch bệnh phát sinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 4.300 ha tôm bị thiệt hại, trong đó có hơn 3.850 ha tôm thẻ; chiếm gần 22% diện tích đã thả nuôi, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013. Diện tích tôm thiệt hại nhiều nhất tập trung ở các địa phương như: Thị xã Vĩnh Châu thiệt hại tới 2.750ha (45%), huyện Mỹ Xuyên thiệt hại 1.160 ha (13%), Trần Đề thiệt hại 250 ha (trên 9%).

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện thả nuôi được trên 20.000 ha tôm nước lợ, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng với hơn 14.000 ha, còn lại là tôm sú. So với cùng kỳ, diện tích tôm thẻ tăng mạnh, gấp 3 lần vụ trước, trong khi diện tích thả nuôi tôm sú lại giảm do đầu tư nuôi tôm thẻ thời gian ngắn hơn, thu vốn nhanh hơn so với tôm sú. Những diện tích tôm thả trà đầu vụ đã được thu hoạch, toàn tỉnh đã thu được trên 3.000 ha, trong đó thu tôm thẻ chân trắng được trên 2.800 ha, tôm sú thu trên 200 ha, năng suất trung bình của tôm thẻ đạt khá cao với trên 4 tấn/ha.

Dưa chuột giảm giá

Thời điểm hiện nay, người trồng dưa chuột trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang bước vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, hiện giá dưa chuột giảm xuống một nửa so với đầu vụ. Ở Lạng Sơn, cây dưa chuột được trồng chủ yếu ở các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Bắc Sơn, Văn Lãng, Hữu Lũng với diện tích khoảng 50 ha.

Dưa chuột là loại cây trồng rất đơn giản, ít bệnh tật và ưa khí hậu ấm áp, chất đất phù sa hoặc cát pha. Thời gian sinh trưởng của cây ngắn, sau khi trồng khoảng 40 ngày sẽ cho thu hoạch.

Vốn chi phí đầu tư thấp, hiệu quả thu lại cao. Mỗi năm, dưa chuột có thể trồng được 3 – 4 vụ. Trung bình trồng 1 sào (360m2) cho thu hoạch từ 1,3 – 1,5 tấn quả.

Đầu vụ, dưa chuột được bán với giá từ 7.000 – 8.000 đ/kg khiến người dân rất vui mừng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay giá giảm xuống một nửa chỉ còn từ 3.000 – 4.000 đ/kg, với mức giá này sau khi trừ chi phí người dân chỉ còn lãi từ 2,5 – 3,5 triệu đ/sào/vụ.

Theo những người trồng dưa chuột ở Lạng Sơn, nguyên nhân khiến giá dưa chuột giảm mạnh như hiện nay là do những năm trước giá dưa chuột luôn bán được giá cao, ổn định nên người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Ngoài ra, do hiện nay đang là thời điểm chính vụ nên mỗi ngày có hàng trăm tấn quả dưa chuột bán ra thị trường làm cung vượt cầu.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet