Giá lúa giảm tại Trà Vinh; nông dân Thái Nguyên thu lợi cao từ thương hiệu "Gà đồi Phú Bình"; dứa Tân Phước giảm giá sau rằm tháng giêng;...

Trà Vinh: giá lúa giảm

Nông dân tỉnh Trà Vinh đang thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2014 - 2015 và Công ty Lương thực Trà Vinh đang triển khai mua tạm trữ 13.000 tấn gạo theo phân bổ của Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Tuy nhiên, giá lúa đang giảm, nhưng nông dân rất khó tiêu thụ.

Vào những ngày đầu tháng 3/2015 sau khi triển khai mua lúa, gạo tạm trữ, giá lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tăng thêm từ 250 đến 300 đồng/kg và thị trường trở nên sôi động. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần gần đây giá lúa bỗng giảm trở lại, lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp loại hạt tròn (IR 50404) hiện chỉ còn 4.000 đến 4.100 đồng/kg; hạt dài từ 4.300 đến 4.400 đồng/kg, giảm khoảng 150 đến 200 đồng/kg so với tuần trước. Hơn nữa, thị trường lúa gạo trên địa bàn tỉnh hiện trở nên trầm lắng, nông dân muốn bán lúa tươi tại ruộng không phải dễ, bởi phần lớn thương lái mua gom lúa gạo gần như ngưng hoạt động.

Vụ lúa Đông Xuân 2014 - 2015, nông dân tỉnh Trà Vinh gieo trồng được hơn 68.000 ha, đến nay đã thu hoạch được khoảng 30.000 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 6 tấn/ha.

Su su giảm giá

Trong những ngày gần đây, tại khu vực chuyên canh trồng rau an toàn xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang diễn ra tình trạng su su được mùa, nhưng mất giá khiến bà con nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ trong vụ Đông Xuân năm nay. Nếu như các năm trước người trồng su su vui mừng, phấn khởi khi giá su su có thời điểm lên tới trên 10.000 đồng/kg, thì hiện tại loại quả này chỉ có giá dưới 1.000 đồng/kg. Có thời điểm chỉ 200 đồng/kg, nhưng vẫn không có người mua. Với giá bán hiện nay, bà con nông dân sẽ không thu đủ vốn đầu tư từ đầu vụ.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hợp, ông Công cho biết, xã Hoằng Hợp có nghề trồng rau sạch truyền thống, trong khoảng 80 ha rau sạch của xã có tới 15 ha su su, tập trung chủ yếu tại các thôn Phú Quý, Lộc Bình, Lộc Thọ, Minh Quang... Với loại cây su su, người dân trồng nhiều trong vòng 5 đến 7 năm trở lại đây, những năm trước giá su su trên thị trường lúc tăng, lúc giảm nhưng chưa năm nào giá thấp như năm nay. Thường thì su su trên thị trường dao động từ 4.000 đến 10.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm lên đến 12.000 đồng/kg. Nhưng năm nay giá su su chưa đến 1.000 đồng/kg khiến người dân không khỏi lo lắng, bởi giá su su phải trên 1.200 đồng/kg người trồng mới có lãi.

Dứa Tân Phước giảm giá sau rằm tháng giêng

Theo nhiều nông dân trồng Dứa ở huyện Tân Phước, giá Dứa giảm thấp trong tuần qua (kể từ rằm tháng giêng) là do dứa bị dội chợ, nhu cầu tiêu thụ dứa của thị trường trong nước giảm. Hiện nay, Dứa đang trong giai đoạn xử lý cho trái đồng loạt vụ nghịch, sản lượng Dứa cung cấp cho thị trường rất hạn chế nên nhiều khả năng dứa sẽ tăng giá lại trong thời gian tới.

Nhiều nông dân trồng Dứa có kinh nghiệm ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, mỗi năm Dứa có thể cho thu hoạch 3-4 lần tuỳ thuộc vào cách xử lý của từng nông hộ với năng suất Dứa đạt bình quân 15-20 tấn/ha. Hiện nay, giá thành sản xuất mỗi kí lô gam Dứa bao gồm chi phí chăm sóc, phân bón, xử lý khí đá, công cắt… khoảng 2.300-2.500 đồng/kg, tính ra mỗi kí lô gam Dứa nông dân còn lãi bình quân 1.000 đồng/kg (tương đương 15-20 triệu đồng/ha). Thông thường mỗi nông dân trồng Dứa ở vùng đất phèn Tân Phước có 4-5 ha, thậm chí có nông dân có đến hơn 20 hecta.

Do hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, từ lâu cây Dứa đã được tỉnh xác định là cây ăn trái chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất phèn Tân Phước và đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý, do vậy diện tích trồng Dứa ở khu vực này đã gia tăng theo từng năm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của bà con trồng Dứa là khi vào mùa thu hoạch rộ thì giá Dứa rất thấp, khó tiêu thụ, trong khi người trồng Dứa không thể trữ Dứa lại để chờ giá như đối với hạt lúa. Vì vậy, nhiều bà con trồng Dứa mong muốn tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư đối với ngành chế biến rau quả, đặc biệt là trái Dứađể tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho trái DứaTân Phước.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước (Tiền Giang), toàn huyện hiện có hơn 15.000 ha khóm, tập trung nhiều nhất ở các xã Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2, và Phước Lập với sản lượng Dứa cung cấp cho thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu hàng năm khoảng 250.000 tấn.

Từ đầu năm đến nay, nông dân đã thu hoạch được trên 1.000 ha với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Để nâng cao hiệu quả của cây trồng nhiều tiềm năng này, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường tập huấn kỹ thuật thâm canh khóm, khuyến khích tổ chức sản xuất theo mô hình các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chí GAP để nâng chất lượng khóm.

Nông dân Thái Nguyên thu lợi cao từ thương hiệu "Gà đồi Phú Bình"

Sau gần 5 tháng được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu cho UBND huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đối với sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”, hàng nghìn hộ chăn nuôi gà ở Phú Bình đã thu được lợi lớn nhờ giá gà đồi ngày tăng cao, sản lượng tiêu thụ ngày càng lớn, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn trước rất nhiều.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: kể từ khi thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” được cấp, số lượng người mua gà thương phẩm trên toàn huyện tăng khoảng 10% và giá mua cũng tăng từ 3 đến 5%. Thậm chí dịp Tết vừa qua, dù giá gà đồi Phú Bình tăng cao cũng không có để bán. Gà ri lai, gà lai chọi thả đồi, thả vườn của các trang trại đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Phú Bình” có giá từ 150.000 - 170.000 đồng/kg; các giống gà khác cũng được tiêu thụ với mức giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Nếu như trước đây, gà chủ yếu được bán cho các thương lái trên địa bàn và một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn... thì năm nay, người chăn nuôi còn nhận được đơn đặt hàng từ các siêu thị, nhà hàng và một số cơ sở giết mổ quy mô lớn tại Hà Nội. Đây là một tín hiệu vui đối với người chăn nuôi gà, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi gia cầm tại địa phương.

Để giữ vững thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” cũng như duy trì, bảo đảm độ an toàn, chất lượng cho sản phẩm đã được chứng nhận, huyện Phú Bình thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người chăn nuôi về phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển giết mổ, tiêu thụ gia cầm tại các chợ đầu mối... Trong năm 2015, huyện đã xây dựng chương trình đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” để kết nối với thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay, khoa học kỹ thuật để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi.

Toàn huyện Phú Bình hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 3,5 triệu con với 233 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm, trong đó, đàn gà có khoảng trên 3 triệu con.

Gia Lai: giá mủ cao su giảm

Giá mủ cao su đang trên đà xuống thấp, hiện chỉ còn khoảng trên 30 triệu đồng/tấn mủ thành phẩm - chỉ bằng khoảng 1/3 giá so với cách đây 5 năm về trước, người trồng cao su không thu được lãi, thậm chí còn phải chịu lỗ.

Chủ trương của tỉnh Gia Lai là bất cứ giá nào cũng phải giữ nguyên vẹn vườn cây cao su, trên cơ sở vận động và thuyết phục nhân dân không chặt bỏ. Đồng thời có hướng tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm mủ để xuất khẩu được thuận lợi và có giá thành cao.

Đối với vườn cây cao su tiểu điền trong nhân dân, các cấp chính quyền địa phương đã cử cán bộ khuyến nông về tận cơ sở hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cao su theo phương pháp mới nhằm giảm một phần chi phí đầu tư như giảm lượng phân bón, giảm công làm cỏ... nhưng vườn cây vẫn phát triển tốt. Đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn bà con trồng xen các loại cây họ đậu, cây lương thực trong các lô cao su còn chưa phủ tán nhằm tăng thêm mức thu nhập hàng năm.

Hiện nay, bà con đã ý thức được việc nên giữ vườn cao su và chờ có sự cải thiện về giá mủ. Toàn tỉnh Gia Lai hiện phát triển được hơn 100.000ha cao su, trong đó có khoảng 20.000ha cao su tiểu điền trong dân. Phần lớn diện tích cao su đều cho khai thác mủ.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet