Cuối ngày 4/9, Bộ Tài chính chính thức ban hành thông tư 141 cho phép tạm dừng việc thực hiện Thông tư số 63, trong đó quy định xuất khẩu sắn lát phải chịu thuế suất 5%

Trước đó, ngày 20/6, sắn lát - nguyên liệu chính để sản xuất cồn sinh học (ethanol), chính thức bị áp thuế suất xuất khẩu từ 0,5 lên 5% với chủ trương khuyến khích sử dụng trong nước, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Đây là ý chính sách được 10 trên 12 ý kiến đồng thuận từ các Bộ, Hiệp hội (trong đó có Hiệp hội sắn Việt Nam, Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam), và các Ủy ban nhân dân các tỉnh có diện tích trồng sắn lớn (Sơn La, Yên Bái, Bình Thuận, Đăk lăk...)

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã có và các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát tại TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bình Định, ...có phản ánh cho rằng mức thuế suất xuất khẩu 5% gây khó khăn trong quá trình tiêu thụ, gia tăng tồn kho.

Sau khi nhận được công văn kiến nghị, Bộ Tài chính đã họp với các Bộ, ngành và hiệp hội liên quan, tiến hành khảo sát thực tế tại hai địa phương có số lượng sắn lát tồn kho lớn. Đến ngày 29/7, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng sắn lát.

Bộ cũng đề nghị sửa đổi Thông tư 63 theo hướng áp dụng mức thuế xuất khẩu sắn lát là 1% hoặc 2% kể từ ngày 01/1/2016.

Sau quyết định tạm ngưng áp thuế lần này, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi để có lộ trình điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu sắn cho phù hơp với lộ trình áp dụng xăng sinh học và tình hình thực tế về sản xuất, tiêu thụ sắn trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân trồng sắn.

Cây sắn là cây xóa đói, giảm nghèo của người nông dân và được trồng chủ yếu tại các vùng sâu vùng xa.

Sản phẩm sắn tươi và khô sản xuất trong nước được sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất tinh bột (chiếm 58% tổng sản lượng sắn tươi); ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (14%); ngành sản xuất ethanol (3,2%), sản lượng sắn tươi còn lại được phơi khô để xuất khẩu.

Hiện nay tổng sản lượng sắn khô xuất khẩu là 2 triệu tấn/năm (40%). Do việc tăng thuế xuất khẩu sắn từ 0% lên 5% nên sản lượng sắn khô để xuất khẩu đang bị tồn kho lớn (khoảng 500.000 tấn).

 

Đức Anh