Hàn Quốc nổi lên là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam từ năm 2013. Mặc dù cơ cấu XNK hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc được đánh giá là bổ sung cho nhau nhưng cần lưu ý tình trạng nhập siêu từ thị trường này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết 30-9, XK của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 5,212 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, còn NK từ Hàn Quốc đạt 15,68 tỷ USD chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ. Nhìn từ cơ cấu hàng hóa XNK giữa hai nước có thể nhận thấy, hàng hóa mang tính bổ sung. Cụ thể, một số mặt hàng XK của Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản. Những mặt hàng này đều có sự tăng trưởng XK tốt như: Dệt may đạt 1,54 tỷ USD, tăng 41%; đồ gỗ 359,4 triệu USD, tăng 55%; giày dép 229,2 triệu US, tăng 27%; dầu thô là 123,87 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 264,3 triệu USD tăng 15%, điện thoại các loại và linh kiện đạt 248,66 triệu USD tăng 102%...

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng NK chính của Việt Nam từ Hàn Quốc gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện được các DN Việt Nam nhập nhiều nhất; máy móc thiết bị phụ tùng; vải; điện thoại; xăng dầu; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; ôtô nguyên chiếc các loại… Trong số các mặt hàng NK từ Hàn Quốc có tới 20 mặt hàng vượt hoặc xấp xỉ 100 triệu USD/năm, trong đó có 4 nhóm kim ngạch NK vượt trên 1 tỷ USD gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; vải các loại; điện thoại các loại và linh kiện. Đáng chú ý, mặt hàng xăng dầu có mức tăng cao nhất lên đến 68%, trong khi mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện lại giảm lần lượt là 3,7% và 5,1%.

Xét trên bình diện chung, thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc đang có sự chênh lệch khá lớn. Việt Nam XK sang Hàn Quốc dầu thô, than đá, cà phê, thuỷ sản, cao su..., là những hàng thô; còn sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép gọi là hàng công nghiệp chế biến nhưng thuần túy là gia công, thậm chí là gia công thuộc phân kỳ thấp. Ngược lại, Việt Nam lại nhập các sản phẩm tinh chế từ dầu lửa, linh kiện để DN Hàn Quốc tại Việt Nam lắp ráp, NK ngay cả những mặt hàng tiêu dùng đơn giản là sản phẩm thủy tinh cho đến sản phẩm xa xỉ như ô tô. Trong 9 tháng, NK ô tô nguyên chiếc từ Hàn Quốc tăng tới 61%, đạt 197,19 triệu USD.

Nhìn vào những con số nêu trên để thấy rằng, nhập siêu từ Hàn Quốc bộc lộ rõ từ cơ cấu hàng hóa 2 chiều. Nếu so với tổng số kim ngạch nhập siêu của Việt Nam, thì tỷ trọng nhập siêu từ Hàn Quốc ngày càng tăng. Năm 2008 nhập siêu từ Hàn Quốc chiếm 34% tổng nhập siêu của cả nước; năm 2009 con số đó nhích lên 37%; năm 2010 lấn tới 50%; năm 2011 nhảy lên 83% và cho đến nay, Hàn Quốc đang khẳng định “vững vàng” ngôi vị lớn thứ hai về “thành tích” nhập siêu của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc với 10,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, mặt hàng nông, thủy sản được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam khi XK sang Hàn Quốc. Song các quy định chặt chẽ về kiểm dịch động, thực vật của Hàn Quốc vẫn là rào cản lớn khiến nhóm hàng nông sản đặc biệt là trái cây tươi và thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam không dễ dàng thâm nhập vào thị trường này.

Thêm nữa, đến nay Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Nhật Bản, với quy mô tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31,24 tỷ USD và đứng thứ nhất về số dự án với 3.827 dự án đầu tư còn hiệu lực. Sự “lớn mạnh” của Samsung tại Việt Nam khi không ngừng đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Thái Nguyên, Bắc Ninh đã mang mại thặng dự lớn ở ngành hàng điện tử. Nhưng trên thực tế, Samsung lại NK một lượng linh kiện lớn từ nước họ để sản xuất, bán sản phẩm tại Việt Nam và XK cũng khiến cho nhập siêu từ Hàn Quốc tăng lên đáng kể. Nếu Việt Nam không tái cấu trúc nền kinh tế, không đẩy mạnh sản xuất linh kiện, công nghiệp hỗ trợ thì sẽ không cải thiện được tình hình. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý phải lưu tâm để có những động thái tích cực nhằm cải thiện cán cân thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc.

Nguồn: Báo Hải quan

Nguồn: Hải quan Việt Nam