Năm 2014, thống kê từ Hải Quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là 1.439,1 triệu USD, từ Hải quan Việt Nam là 845,1 triệu USD, chênh lệch 594 triệu USD.

Số liệu trên được đưa ra tại Hội thảo “Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc 2012 – 2014: Thực trạng và Xu hướng” diễn ra sáng 15.9 tại Hà Nội.

Con số chênh lệch giá trị xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng dần theo hàng năm. Cụ thể, so với năm 2012, con số chênh lệch năm 2013 cao hơn 1,5 lần (từ 125 triệu USD lên 184 triệu USD). Tuy nhiên, con số chênh lệch sau đó tăng vọt, khoảng 3,2 lần ở mức 184 triệu USD (năm 2013) lên gần 600 triệu USD năm 2014. 

Về số liệu khối lượng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc cũng chênh lệch nhau lớn, đặc biệt từ năm 2013 trở đi. Trong đó, năm mặt hàng gỗ có sự chênh lệch lớn gồm dăm, gỗ xẻ, đồ gỗ, ván bóc và gỗ tròn.

Theo thống kê của HQ Trung Quốc, năm 2012, số liệu thống kê xuất khẩu gỗ quy tròn của HQ Trung Quốc là 7,19 triệu m3, số liệu của HQ Việt Nam là 7,08 triệu m3, chênh lệch 0,11 triệu m3. Năm 2013, số liệu từ HQ Trung Quốc là 10,15 triệu m3, từ HQ Việt Nam là 8,57 triệu m3, chênh lệch 1,58 triệu m3. Năm 2014, số liệu từ HQ Trung Quốc là 10,09 triệu m3, từ HQ Việt Nam là 8,40 triệu m3, chênh lệch 1,69 triệu m3.

Chênh lệch về giá trị xuất nhập khẩu được lý giải theo các nguyên nhân như gian lận thương mại, trốn thuế, khác biệt tỷ giá và cách tính toán trong cơ cấu giá trị.

Về chênh lệch khối lượng xuất khẩu, theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện Forest Trend, một trong những nguyên nhân gây ra khác biệt là tình trạng buôn lậu một số mặt hàng gỗ giữa 2 quốc gia. Trong khi số liệu Hải quan Việt Nam không bao gồm con số về lượng xuất lậu từ Việt Nam thì Hải quan Trung Quốc kiểm soát được tình trạng này.

Ông Phúc cũng cho rằng, mức khai báo về giá trị và lượng với các mặt hàng xuất khẩu này từ Việt Nam nhỏ hơn so với thực tế. Điều này mang lại 2 lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu, giảm được mức thuế xuất khẩu áp dụng cho sản phẩm; Khoản thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp phải đóng trước khi được hoàn thuế nhỏ và không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng về vốn và quay vòng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Một trong những nguyên nhân thể hiện rõ nét nhất là tình trạng gian lận thương mại trong một số công ty của Việt Nam trực tiếp tham gia xuất khẩu các mặt hàng này, với mức giá và lượng xuất khẩu khai báo nhỏ hơn giá trị thực”, ông Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, con số khai báo về giá trị và lượng xuất khẩu khác với giá trị thực của sản phẩm làm méo mó hình ảnh của thị trường và điều này mang đến một số hệ lụy. 

Cụ thể, từ khía cạnh quản lý, các con số ‘ảo’ này làm cho các cơ quan quản lý không có những thông tin tin cậy về quy mô và xu hướng biến động và thay đổi của thị trường. Gian lận thương mại cũng gây ra sự thất thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, bàn về con số chênh lệch này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định sự chênh lệch này không có gì nghiêm trọng.

"Vấn đề này xảy ra muôn thuở trên thế giới, không bao giờ có số liệu giống nhau vì thống kê giữa hai nước hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua 29 cửa khẩu và định mức của Việt Nam và Trung Quốc cũng khác nhau nên không thể có sỗ liệu rõ ràng", ông Quyền khẳng định.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2015 các mặt hàng gỗ của Việt Nam đã đạt kim ngạch trên 425 triệu USD từ thị trường Trung Quốc, cao thứ 2 (sau sắn) trong tất cả các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các mặt hàng gỗ quan trọng được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là gỗ nguyên liệu, bao gồm gỗ dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ, ván bóc và đồ gỗ.

Trong 6 tháng đầu 2015, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc đạt gần 121 triệu USD. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu bao gồm gỗ dán, ván sợi, ván dăm, vơ nia và đồ gỗ.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2012-2014, tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng bình quân 11,6%/năm.

Kiều Linh