CBE giải thích cho quyết định trên là do áp lực lạm phát toàn cầu gây ra bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Thực tế, tỷ lệ lạm phát năm trong tháng 2/2022 của Ai Cập đã lên 8,8%, mức cao nhất trong gần 30 tháng và vượt qua mục tiêu kiềm chế lạm phát ban đầu 7% (±2%) đến cuối năm 2022 của CBE. Ai Cập cũng phải đối mặt với giá xăng dầu, lúa mì tăng cao trên thế giới, đồng thời nguồn thu du lịch chính từ du khách Nga và Ukraine giảm sút.
Hiện tại quyết định của CBE đang gây ra phản ứng trái chiều từ các doanh nghiệp Ai Cập, tuy nhiên Thương vụ đánh giá do Việt Nam xuất siêu sang Ai Cập nên chịu tác động không nhỏ bởi: i) giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao (đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống) dẫn đến sức tiêu thụ giảm và người tiêu dùng sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm trong nước; ii) Ai Cập sẽ tăng cường các biện pháp nhằm giảm nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, thúc đẩy sản xuất để tăng năng lực cung ứng hàng hóa trong nước; iii) khả năng thanh khoản của các ngân hàng Ai Cập do tình trạng thiếu hụt USD trong khi Chính phủ chưa đạt được thỏa thuận về gói vay hỗ trợ tài chính từ IMF; iv) kinh doanh khó khăn là một lý do để một số doanh nghiệp Ai Cập có thể trì hoãn, chậm hoặc không thanh toán gây ra tranh chấp thương mại trong thời gian tới.
Do đó doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý cập nhật thông tin thị trường và đảm bảo các điều kiện thanh toán với đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập