Theo giới phân tích quốc tế, Mỹ đang thể hiện sức mạnh thương mại. Sau khi dọa áp thuế quan với các đồng minh ở Bắc và Nam Mỹ, Tổng thống Donald Trump tiếp tục gia tăng áp lực bằng cách áp thuế 25% lên thép và nhôm mà không có ngoại lệ, đồng thời tuyên bố sẽ áp thuế "có đi có lại" với bất kỳ quốc gia nào đánh thuế lên hàng hóa Mỹ. Nếu tiếp tục chiến lược đe dọa rồi rút lui sau khi đạt được nhượng bộ, Tổng thống Donald Trump có thể giành được những chiến thắng nhỏ trong một số lĩnh vực Tuy nhiên, với các mục tiêu mơ hồ hoặc khó đạt được, việc giành được lợi thế lớn sẽ không hề dễ dàng.
Thuế quan đối với kim loại dự kiến có hiệu lực từ ngày 4/3, trong khi các chi tiết về thuế "có đi có lại" vẫn chưa rõ rang. Các nhà đầu tư dường như đã bỏ qua nguy cơ thiệt hại đối với ngành công nghiệp nội địa và chuyển sang kỳ vọng vào lợi ích tiềm năng: giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thép Mỹ như Nucor và Cleveland-Cliffs tăng sau thông báo mới nhất, trong khi cổ phiếu của các đối thủ Châu Á và Châu Âu sụt giảm.
Căng thẳng với Mexico và Canada đã được xoa dịu nhờ những cam kết liên tục về kiểm soát biên giới. Các nước khác cũng nhanh chóng hành động: theo Financial Times, các nhà lãnh đạo EU đang chuẩn bị đề xuất giảm thuế đối với ô tô Mỹ từ 10% xuống 2,5%. Ấn Độ cũng đang xem xét cắt giảm thuế đối với 30 loại hàng hóa.Nếu chấp nhận những nhượng bộ này, Tổng thống Donald Trump sẽ đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm. Cựu Tổng thống Joe Biden đã tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt – như xe điện và chất bán dẫn – nhằm hỗ trợ một số ngành công nghiệp trong nước mà không làm gián đoạn toàn bộ 439 tỷ USD hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, mức thuế bổ sung trị giá 18 tỷ USD được áp dụng vào giữa năm 2024 cũng không gây ra rủi ro lạm phát như các loại thuế quan trên diện rộng.
Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump đang đe dọa toàn bộ nền kinh tế toàn cầu bằng cách áp thuế trên diện rộng. Chiến lược này phản ánh quan điểm của chính quyền Trump khi chỉ trích Biden vì đã miễn thuế đối với thép và nhôm từ châu Âu để đàm phán về tình trạng dư cung. Chính quyền Trump cho rằng mục tiêu là đưa sản xuất trở lại Mỹ, nơi ngành thép đã suy giảm từ những năm 1970 và gần như chững lại sau đó. Tuy nhiên, không có cách nào nhanh chóng để các quốc gia khác giải quyết vấn đề này mà không gây tổn hại đến ngành công nghiệp của chính họ. Trong lúc đó, sự bất ổn sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng cao.
Cố vấn Stephen Miller của ông Trump tuyên bố rằng thuế “có đi có lại” thể hiện yêu cầu “đối xử công bằng” của Mỹ. Nhưng nếu chính quyền Mỹ từ chối các đề xuất của đồng minh, thì “công bằng” có thể đồng nghĩa với việc tất cả các bên đều chịu tổn thất và giao thương suy giảm.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters