Những lo ngại về nguồn cung toàn cầu sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì hồi phục lên vùng 860
Kết thúc phiên giao dịch 20/10, giá lúa mì đã đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng nhẹ chưa tới 1% và biên độ nằm hoàn toàn trong phiên giao dịch trước đó. Điều này cho thấy rằng sau chuỗi giảm mạnh liên tiếp trong 2 tuần vừa rồi, lực mua đang có dấu hiệu cân bằng trở lại, đặc biệt là nhờ có hỗ trợ kĩ thuật ở vùng đáy 820 – 830. Bên cạnh đó, với lo ngại về nguồn cung tiếp tục thắt chặt, chúng tôi cho rằng giá lúa mì có thể sẽ hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần này.
Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) mới đây đã hạ ước tính sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 của Argentina xuống còn 15.2 triệu tấn, từ mức 16.5 triệu tấn ước tính tuần trước. Hạn hán kéo dài, cùng với các đợt sương giá từ 08/10 tới 09/10 tại các khu vực trồng lúa mì quan trọng đã làm giảm đáng kể năng suất dự kiến. Theo BAGE, khoảng 53% diện tích lúa mì của Argentina đang trải qua điều kiện thời tiết xấu.
Không những thế, mùa vụ tại Mỹ cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Trung tâm Dự báo Khí hậu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết hạn hán - hiện đang ảnh hưởng trên 59% lãnh thổ Mỹ - dự kiến sẽ tiếp tục tồi tệ hơn ở trung lưu và hạ lưu sông Mississippi cũng như ở phần lớn miền Tây và Great Plains, khiến cho mực nước trên sông Mississippi có thể duy trì ở mức thấp trong mùa đông năm nay. Đây là mùa đông thứ 3 liên tiếp Mỹ chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Các chuyên gia của NOAA cũng dự đoán tình trạng hạn hán sẽ còn kéo dài hoặc xấu đi ở vành đai nông nghiệp phía nam Plains, nơi nông dân đang phải vật lộn để trồng lúa mì vụ đông do đất quá khô. Kansas, bang sản xuất lúa mì lớn nhất nước Mỹ, hiện đang hứng chịu hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 8 năm. Với tình hình khô hạn dự báo vẫn sẽ duy trì hiện nay, cùng với tồn kho lúa mì của Mỹ đang ở mức thấp thì thông tin này sẽ hỗ trợ cho giá lúa mì trong vài phiên tới.
Giá Arabica khả năng sẽ giằng co trong phiên hôm nay khi thông tin cơ bản diễn biến tích cực hơn
Kết thúc phiên giao dịch 20/10, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Trong khi Robusta bật tăng mạnh hơn 2% trước những thông tin xuất khẩu niên vụ 21/22 giảm sâu so với niên vụ 20/21 do sản lượng giảm tại Uganda và mức tồn kho cạn kiệt tại Việt Nam cũng như Indonesia, Arabica có phiên giảm thứ 7 liên tiếp khi tiếp tục chịu sức ép từ triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ tiếp theo tại Brazil.
Dù được các chuyên gia dự đoán sẽ nhanh chóng có một lượng cà phê được chuyển đến các kho lưu trữ của Sở ICE do cà phê bán rửa tại Brazil đã đủ rẻ để chuyển giao đến đây. Tuy nhiên, trong những phiên vừa qua, tồn kho đat chuẩn Arabica trên Sở ICE US vẫn giảm liên tục xuống mức thấp nhất trong hơn 23 năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu cho sự hồi phục. Do đó, nếu đà giảm cứ tiếp diễn như vậy, tồn kho đạt chuẩn tiếp tục trở thành yếu tố hỗ trợ giá, giúp Arabica có nhịp điều chỉnh trong chuỗi giảm sâu hiện tại.
Theo hãng tư vấn Safras Mercado, tính đến cuối ngày 18/10, nông dân tại Brazil đã bán được 60% sản lượng thu hoạch, thấp hơn so với mức ghi nhận 68% của năm ngoái nhưng nhỉnh hơn mức trung bình 58% của những năm gần đây. Bên cạnh đấy, hãng tư vấn cũng sửa đổi ước tính sản lượng trong niên vụ 22/23 xuống còn 57.3 triệu bao loại 60kg, thấp hơn mức 58.2 triệu bao vào tháng 09. Thông tin này cho thấy thực tế nguồn cung đang không mấy khả quan trong niên vụ hiện tại ở Brazil, từ đó hỗ trợ giá.
Thời tiết vẫn tiếp diễn với mưa tại khu vực Minas Gerais, ủng hộ cho quá trình phát triển của cây cà phê, từ đó đưa đến triển vọng tích cực hơn đối với mùa vụ cũng như nguồn cung cà phê trong niên vụ tiếp theo, bất chấp đó là năm mất mùa theo chu kỳ 2 năm được mùa một lần của cà phê tại Brazil. Yếu tố này có thể kìm hãm phần nào lực hỗ trợ từ các yếu tố “bullish” ở trên.
Nhu cầu suy yếu và nguồn cung thắt chặt cùng tác động có thể khiến giá đồng giằng co trong ngắn hạn
Những phát biểu của chủ tịch Fed Philadelphia về việc khẳng định sẽ tiếp tục mục tiêu nâng lãi suất mạnh mẽ đã khiến lực bán quay trở lại thị trường đồng, bất chấp các lo ngại về nguồn cung thắt chặt. Bối cảnh kinh tế vĩ mô tiêu cực vẫn sẽ khó có thể cho giá đồng động lực tăng quá mạnh trong ngắn hạn.
Trafigura, một trong những nhà giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, cảnh báo rằng tồn kho đồng toàn cầu đã giảm xuống mức cực kỳ thấp. Ông cho biết thị trường đồng hiện có đủ dự trữ để đáp ứng tiêu thụ toàn cầu trong 4.9 ngày, và theo dự báo của Trafigura, con số dự kiến sẽ giảm xuống 2.7 ngày trong năm 2022. Ngoài ra, sự gián đoạn trong hoạt động khai thác đồng ở khu vực Nam Mỹ kéo theo tăng trưởng nguồn cung và sản lượng đồng giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo SMM, tổng sản lượng tinh quặng đồng ở Chile và Peru đạt 4.964 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm, giảm 4.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể sẽ tiếp tục đem lại động lực tăng cho giá đồng. Tuy nhiên, việc thị trường tập trung đánh giá sức tiêu thụ yếu do các sức ép vĩ mô vẫn sẽ khó kép giá đồng đà tăng quá mạnh.
PMI sản xuất toàn cầu tiếp tục nằm ở dưới ngưỡng 50 tháng thứ 2 liên tiếp, đạt mức 49.8, phản ánh sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy trên thế giới. Đối với khu vực châu Âu, chi phí năng lượng tăng cao là rào cản lớn nhất đối với các hoạt động sản xuất, khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc hạn chế công suất hoạt động. Trong khi đó, chuỗi cung ứng lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc vẫn đang chịu nhiều sức ép vì dịch bệnh. Theo số liệu của FreightWaves SONAR, số lượng chủ hàng đặt hàng vận chuyển container bằng các hãng vận tải biển từ Trung Quốc đến Mỹ đã liên tục giảm. Các nhà quản lý hậu cần này cũng dự báo rằng đơn đặt hàng từ Trung Quốc đến Mỹ trong tháng 11 dự kiến sẽ giảm từ 40% đến 50%. Do đó, các tác động trái chiều có thể sẽ khiến giá đồng giằng co trong ngắn hạn.
Giá dầu có thể sẽ sớm gặp áp lực trở lại khi rủi ro từ môi trường vĩ mô đang gia tăng
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên sáng nay, tuy nhiên các áp lực lên thị trường vẫn còn rất lớn và giá có thể sớm điều chỉnh trở lại.
Một mặt, thị trường đang được hỗ trợ bởi tín hiệu tích cực từ Trung Quốc, với khả năng quốc gia này sẽ nới lỏng phần nào chính sách Zero-Covid, tạo đà cho giao thông cũng như các hoạt động sản xuất phục hồi. Việc Trung Quốc liên tục phải đối mặt với tình trạng phong tỏa ở các thành phố lớn từ tháng 4 đến giờ là một trong các nguyên nhân chính khiến cho giá dầu đánh mất mốc 100 USD/thùng.
Mặt khác, tâm lý trên thị trường chung vẫn còn rất yếu, khi rủi ro về lãi suất tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt đang khiến dòng tiền chảy về các tài sản an toàn. Hiện tại, Dollar Index đang có dấu hiệu tăng trở lại, khi các nhà đầu tư tập trung đến vấn đề an toàn vốn. Điều này cũng đang tác động tiêu cực trực tiếp đến giá dầu, do Dollar Mỹ tăng mạnh, đặc biệt so với tiền tệ châu Á như Yên Nhật hay Nhân dân tệ khiến cho giá các mặt hàng năng lượng ở các quốc gia này trở nên đắt đỏ hơn, có thể buộc người tiêu dùng cắt giảm đi lại. Hơn thế nữa, thời gian tới, khi mà Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế, thị trường có thể sẽ lại phải đón nhận một loạt tin tức dữ liệu tiêu cực, do nước này đã phong tỏa, đóng cửa rất nhiều các thành phố để chuẩn bị cho Đại hội Đảng.