Canada là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu trên thế giới và quốc gia này có chuyên môn lâu đời trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhập khẩu tăng nhanh và xuất khẩu giảm, Canada đã trở thành nước nhập khẩu ròng các sản phẩm đồ nội thất.
Phiên tư vấn được tổ chức tại tỉnh Bình Dương – địa phương có kim ngạch xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước, theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Tại phiên tư vấn, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ giới thiệu tổng quan thị trường, xu hướng và thị hiếu, triển vọng và thách thức thị trường gỗ Canada: đồng thời giới thiệu về những cơ chế hỗ trợ của Thương vụ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông Phạm Thế Huy, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ giới thiệu một số điều cần biết (quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất) khi kinh doanh với thị trường Canada. Ngoài ra, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu lớn về đồ gỗ và trang trí nội thất ở Canada sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực này tới các nhà xuất khẩu Việt Nam. Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ thông tin tổng quan tình hình xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam tại Phiên tư vấn.
Trong khuôn khổ của Phiên tư vấn, ngoài phiên toàn thể còn diễn ra phiên tư vấn riêng giữa đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cùng các chuyên gia, nhà nhập khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Canada với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam có cơ hội tìm hiểu sâu về thị trường đồ gỗ và trang trí nội thất Canada, từ đó có biện pháp tăng cường xuất khẩu hiệu quả sang những thị trường này.
Năm 2021, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Canada (theo thống kê của Hải quản Việt Nam) vẫn đạt mức tăng trưởng đáng kể, đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8%, cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu của Canada (12,84%). Đây là mức tăng trưởng dương năm thứ 3 liên tiếp kể từ 2019 sau khi Việt Nam và Canada chính thức là thành viên của Hiệp định thương mại tự do CPTPP.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 2,53 tỷ USD, tăng 27,9%. Nhập khẩu của Việt Nam từ Canada đạt 260 triệu, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á nhưng dư địa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Canada vẫn còn rất lớn khi thị phần mới chỉ chiếm 1,7% giá trị nhập khẩu của Canada. Chính phủ Canada tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Châu Á sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Triển vọng xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam sang thị trường Canada vẫn rất khả quan, trước hết là nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn tại thị trường Canada, tiếp theo là tác động tích cực của Hiệp định CPTPP.
Theo nguồn marketinsightsreports.com, dự báo thị trường đồ nội thất gia đình của Canada đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 6% trong giai đoạn 2021 – 2025. Sự tăng trưởng của thị trường đồ nội thất gia đình của Canada là nhờ sự cải thiện trong hoạt động xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở tại nhiều vùng của Canada, phần lớn việc mua đồ nội thất được thúc đẩy bởi người tiêu dùng chuyển đến nhà mới.
Năm 2021, mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Canada bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng kết quả đạt được trong cho thấy gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại Canada. Năm 2021, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 416,4 triệu USD, tăng 27,4%, chiếm 16,7% tổng trị giá nhập khẩu của Canada.
Hiện nay, tại các chuỗi siêu thị lớn như: COSTCO, IKEA, LEON’S… có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm nội thất sản xuất từ Việt Nam. Khai thác tốt thị trường Canada, sản phẩm gỗ và đồ trang trí nội thất của Việt Nam còn có cơ hội đẩy mạnh sang các thị trường khác trong khu vực Bắc Mỹ, bởi Canada được xem là một cửa ngõ để đi vào khu vực Bắc Mỹ.
Nguồn: Cục Xúc tiến thương mại