Vấn đề cấp bách
Liên quan tới IUU, hiện nay trong khu vực ASEAN, Campuchia đã bị EU rút thẻ đỏ, Philippines và Thái Lan đã bị EU rút thẻ vàng. Đối với Việt Nam, EU đã khuyến cáo từ năm 2012-2013, trong năm 2016 và 2017 EU liên tiếp cử các đoàn sang kiểm tra và cảnh báo. Gần đây nhất, EU có cảnh báo: Đến ngày 30/9/2017, nếu Việt Nam không khắc phục được 5 nhóm khuyến nghị của EU liên quan đến IUU thì EU sẽ rút thẻ vàng.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP): Bị nhận thẻ vàng của EU, có thể xảy ra nhiều hệ lụy. Trước hết, XK hải sản sang EU sẽ giảm do khi một nước bị nhận thẻ vàng, các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của Ủy ban châu Âu (EC) nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng (không hợp tác). Bên cạnh đó, tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU. Điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó. Ngoài ra, các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU giơ thẻ vàng.
Nhiều chuyên gia nhận định: Bị rút thẻ vàng là một thiệt hại nặng nề đối với XK hải sản của Việt Nam vào EU. Hiện nay, mỗi năm tổng kim ngạch XK các mặt hàng hải sản của Việt Nam đạt 1,9-2,2 tỷ USD, trong đó EU và Hoa Kỳ, mỗi thị trường chiếm tới 16-17%. Bởi vậy, nếu bị EU rút thẻ vàng, không chỉ ở EU, Việt Nam cũng sẽ gặp khó khi XK hải sản sang thị trường quan trọng như Hoa Kỳ khi nước này áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản NK nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ ngày 1/1/2018.
Mặc dù đã qua thời điểm 30/9, phía EU vẫn chưa có động thái gì. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Đây là vấn đề không phải xa xôi mà rất cấp bách. Đến nay, sau khi liên hệ với các cơ quan chức năng phía EU, câu trả lời nhận được là EU đang xem xét. Tuy nhiên, đang xem xét không có nghĩa EU sẽ không rút thẻ vàng với Việt Nam. “Chúng ta có đề nghị kéo dài thời hạn khắc phục đến ngày 31/12, song kể cả trường hợp EU cho phép chúng ta lùi thời điểm đến 31/12 thì cũng phải hành động quyết liệt, coi đây là một cơ hội để tổ chức lại sản xuất, xây dựng một nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Tám nói.
Quyết liệt khắc phục
Thực tế, thời gian qua, Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT đã khá quyết liệt trong khắc phục những khuyến cáo mà EU nêu ra. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám: 5 nhóm EU cảnh báo và yêu cầu Việt Nam phải khắc phục, tập trung vào trọng tâm phải hoàn thiện các thể chế, các quy định của Việt Nam từ Luật trở xuống đến các văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo được hệ thống pháp luật nghiêm khắc với vấn đề này cũng như có những chế tài xử lý nghiêm minh…
Một vấn đề quan trọng khác EU cảnh báo là tàu cá, ngư dân của Việt Nam đi đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển các nước. Đây là vấn đề mà EU, các nước liên quan cảnh báo, nhắc nhở Việt Nam nhiều, thậm chí tại các diễn đàn quốc tế hoặc các cuộc gặp song phương, Việt Nam cũng bị các nước, tổ chức lên án. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của bà con ngư dân, XK hải sản mà còn ảnh hưởng đến uy tín, sự hợp tác của Việt Nam đối với các nước. “Phải nói rằng, trước hết về mặt quan điểm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT đã tuyên bố và trao đổi với các nước: Việt Nam không dung túng và không khuyến khích hành vi vi phạm này. Chúng ta vừa vận động thuyết phục, nhưng nếu vi phạm thì xử lý nghiêm”, Thứ trưởng Tám nói.
Thời gian qua, Việt Nam đã có hàng loạt động thái nhằm khắc phục cảnh báo của EU. Điển hình như trong soạn thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), đã có hẳn 1 mục về IUU; chính thức đưa chế định về lực lượng kiểm ngư vào trong Luật và nhấn mạnh đến việc phát triển ngành thủy sản hiệu quả, có trách nhiệm, bền vững... Hiện nay, trong thiết kế Luật Thủy sản cũng như các văn bản tới đây hướng dẫn Luật Thủy sản sẽ đi theo hướng, nhấn mạnh đến việc phát triển thủy sản bằng cách phát triển nuôi trồng trên đất liền, nuôi biển, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản. Đối với khai thác, Việt Nam cố gắng giữ ổn định sản lượng khai thác, tăng khai thác xa bờ, giảm ven bờ. Hiện, 70% lượng tàu thuyền khai thác của Việt Nam đang tập trung ở vùng biển ven bờ. Đây là bất cập sẽ phải điều chỉnh lại. “Với nhận thức như vậy, tôi tin là dù EU có rút hay không rút thẻ vàng thì chúng ta vẫn quyết tâm theo hướng phát triển nghề khai thác cũng như ngành thủy sản theo hướng có trách nhiệm, bền vững”, ông Tám nhấn mạnh.
Sau đợt đánh giá từ 15-19/5/2017 tại Việt Nam, đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra 5 khuyến nghị liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), bao gồm:
- Đề nghị sửa đổi Luật Thủy sản, hướng tới xây dựng Luật Thủy sản phù hợp với các cam kết quốc tế tại các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.
- Phải quản lý đội tàu và cường lực khai thác dựa trên những đánh giá đúng đắn về nguồn lợi và trữ lượng loài, để giảm thiểu tác hại của hoạt động khai thác quá mức.
- Việt Nam cần thực hiện tốt hơn trách nhiệm của quốc gia mang cờ trong việc quản lý và thanh, kiểm tra các tàu khai thác mang cờ Việt Nam.
- Việt Nam cần sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chứng nhận khai thác thủy sản và quy trình/cơ chế chứng nhận để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường NK về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
- Việt Nam cần thể hiện rõ hơn những nỗ lực trong việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu không được đăng ký tham gia vào hoạt động khai thác trên vùng biển quốc tế.
Nguồn: Baohaiquan.vn