Công ty Bia Hồng Hà thành lập năm 1994. Năm 2005, Công ty cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hồng Hà (thành viên của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội). Với công suất thiết kế 10 triệu lít/năm và 130 cán bộ công nhân viên, công ty sản xuất 2 sản phẩm chính là bia hơi và bia chai. Tổng sản lượng năm 2008 là 6 triệu lít.

Vấn đề môi trường lớn nhất của Công ty trước khi áp dụng SXSH là nước thải từ khâu vệ sinh thiết bị, nấu bia, lên men, sang chiết, thanh trùng và rửa chai; và khí thải từ lò hơi và lên men. Với lượng thải 300 m3/ngày-đêm, toàn bộ lượng nước thải được thu gom vào hệ thống cống thoát đổ ra hồ nuôi cá của cộng đồng phía sau Công ty gây mùi khó chịu. Nước thải có hàm lượng chất hữu cơ cao (COD: 1720 mg/l; BOD: 1481mg/l), hơn rất nhiều so với quy định (COD: 50 mg/l; BOD: 30 mg/l). Hàm lượng chất hữu cơ này chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết, làm giảm năng suất nuôi cá của cộng đông; thêm với việc ô nhiễm mùi, Công ty đã nhận được không ít lời phàn nàn của những người dân xung quanh. Để giải quyết tình trạng này, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải là giải pháp không thể tránh khỏi. Công ty đã tiếp cận Hợp phần SXSH trong công nghiệp của Bộ Công Thương.

Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, năm 2007, Công ty đã thực hiện đánh giá SXSH. Trong giai đoạn đầu (từ tháng 5 - 10/2007), Công ty thành lập Đội SXSH với đội trưởng là ông Dương Văn Hoan - Phó giám đốc công ty và 7 thành viên để tiến hành đánh giá SXSH. Trọng tâm của việc đánh giá là dây chuyền sản xuất bia hơi của nhà máy. Sau khi đánh giá quá trình sản xuất, xác định các dòng chất thải, Đội SXSH tiến hành cân bằng các dòng vật chất và năng lượng của dây chuyền sản xuất. Toàn bộ số liệu thu thập được phục vụ việc phân tích để xác định các giải pháp SXSH cho từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất.


Sang giai đoạn 2, với việc đầu tư 22,07 tỷ đồng cho các hạng mục đầu tư lớn, Công ty đã thu lợi hơn 19,56 tỷ đồng từ việc thu hồi bia (26.602 lít bia/năm), giảm thất thoát nguyên liệu, tiết kiệm điện, than, nước và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Các giải pháp điển hình đã được áp dụng là:

Công ty đã tích hợp hệ thống quản lý trong quá trình sản xuất với hệ thống quản lý môi trường, qua đó việc tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu sẽ được giám sát với các chỉ tiêu ô nhiễm trong các dòng thải (COD, BOD, SS...). Công ty cũng đầu tư phòng thí nghiệm và thiết bị xử lý mẫu cho hoạt động giám sát môi trường (đo độ pH, đo nhiệt độ, thiết bị phân tích nước...). Một hệ thống mẫu và thủ tục pháp lý cũng được xây dựng và áp dụng cho việc thu thập số liệu môi trường, kiểm tra, phân loại và phân tích số liệu. 

Sản xuất sạch hơn không chỉ mang lại lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm lượng nước tiêu thụ, giảm phát thải mà còn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín thương hiệu. Các giải pháp SXSH đã được thực hiện tại  Công ty là ví dụ điển hình cho các doanh nghiệp sản xuất bia ở Việt  Nam.

Nguồn: Thông tin Chính Sách Công Thương/Vitic-Epronews