Chín doanh nghiệp triển khai kế hoạch hành động này đã được Chương trình DCE (Chương trình hợp tác phát triển về môi trường giữa Việt Nam và Ðan Mạch), Hợp phần sản xuất sạch hơn tài trợ.

Tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành, lượng bã thải ra nhiều do khi đóng bao. Từ tháng 9-2008, nhà máy đã tiến hành thực hiện đánh giá SXSH và đề xuất 22 giải pháp SXSH, trong đó, 17 giải pháp quản lý nội vi, cải tiến, hai giải pháp thay đổi thiết bị, ba giải pháp tuần hoàn tái sử dụng.

Ðến nay, nhà máy đã hoàn thành 22 giải pháp với tổng mức đầu tư hơn mười tỷ đồng. Trong đó, có một số giải pháp đầu tư lớn như sử dụng lượng vỏ và cùi thải sắn làm phân vi sinh cung cấp cho vùng nguyên liệu và bán ra thị trường. Với lượng nước thải hơn 7.000n m3 ngày/đêm từ dây chuyền sản xuất đường và cồn, nồng độ các chất gây ô nhiễm tại Công ty cổ phần mía đường Sông Lam, đều vượt ngưỡng cho phép. Ðây là nguồn chất thải dễ lên men, hôi thối và dễ bị khuếch tán theo gió, trôi theo mưa.

Sau khi thực hiện các giải pháp SXSH, công ty áp dụng các giải pháp đầu tư lớn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề tiêu thụ và thất thoát nguyên vật liệu và các vấn đề môi trường nổi cộm. Ðó là xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh, xây dựng hệ thống xử lý khói bụi lò hơi nấu cồn và xử lý nước thải sản xuất cồn... Với tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ đồng, lợi ích thu được từ các giải pháp đầu tư này hằng năm lên tới 710 triệu đồng và từ giải pháp này công ty đã tận dụng được bùn tro bã mía để sản xuất hơn năm nghìn tấn phân vi sinh/năm...

Việc triển khai các giải pháp SXSH đã giúp công ty giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc tận dụng bùn thải làm phân vi sinh đã xử lý triệt để khoảng 100 tấn bã thải/năm, hạn chế tình trạng ô nhiễm mùi tại nhà máy cũng như môi trường chung quanh. Lượng nước thải (100 m3/ngày) với nồng độ các chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép cũng được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Mặt khác, công ty đã ra quy định tiết kiệm điện, thay thế các loại đèn dây tóc bằng các loại đèn tiết kiệm điện, chuyển sang sử dụng quạt công suất thấp. Lợi ích đem lại từ các giải pháp này là 29,5 triệu đồng/năm, định mức tiêu thụ điện giảm 6%...

Bài học kinh nghiệm khi các doanh nghiệp ở tỉnh Nghệ An áp dụng mô hình SXSH trong công nghiệp không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp thụ hưởng chương trình đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần nâng cao nhận thức về SXSH cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ðể tiến hành thực hiện các giải pháp SXSH, các doanh nghiệp thực hiện sáu bước: Khởi động; phân tích các công đoạn; đưa ra các cơ hội SXSH; chọn các giải pháp SXSH; thực hiện các giải pháp SXSH và duy trì SXSH. Trong đó, mục đích của bước khởi động nhằm thành lập được nhóm đánh giá SXSH; thu thập số liệu sản xuất làm cơ sở dữ liệu ban đầu và tìm kiếm các biện pháp cải tiến đơn giản nhất, hiệu quả nhất để thực hiện.

Việc thành lập nhóm đánh giá SXSH bao gồm các thành viên là cán bộ của doanh nghiệp, có thể có thêm hỗ trợ triển khai của chuyên gia bên ngoài. Quy mô nhóm đánh giá SXSH phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp lớn, nhóm đánh giá SXSH gồm đại diện lãnh đạo, quản đốc, trưởng phòng của từng phòng, ban; với doanh nghiệp nhỏ hơn, nhóm có thể chỉ gồm đại diện lãnh đạo và quản đốc phụ trách các công việc sản xuất hằng ngày. Các thành viên trong nhóm tổ chức họp định kỳ, trao đổi các đề tài có tính sáng tạo, được xem xét, đánh giá lại quy trình công nghệ và quản lý cũng như đủ năng lực triển khai các ý tưởng SXSH có tính khả thi.

Nghệ An hiện đang tiếp tục nhân rộng mô hình SXSH ra nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện điều kiện sống cho công nhân và các khu dân cư vùng phụ cận.

Nguồn: Phòng Thông tin Công nghiệp/Vitic-nhandan.com.vn