Trước Tết Đinh Dậu 2017 ít ngày, thị trường ôtô Việt Nam hào hứng đón nhận những thông tin thật vui. Theo công bố của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng lượng ôtô tiêu thụ toàn thị trường năm 2016 đạt 304.427 xe, xác lập “đỉnh” mới trong 20 năm qua, vượt xa so với kỷ lục 244.914 xe được thiết lập trong năm 2015.

Trường Hải (Thaco) với 5 thương hiệu là Kia, Mazda, Peugeot, Bus, Truck có một năm tăng tốc đầy ấn tượng với tổng số ôtô bán ra lên tới 112.847 xe, thị phần 41,5%, dẫn đầu toàn thị trường. Riêng thương hiệu Kia bán ra 33.014 xe, tăng 55% so với năm 2015; thương hiệu Mazda bán ra 32.108 xe, tăng 58%.

Sau hơn 20 năm, Toyota vẫn là thương hiệu được yêu thích tại Việt Nam. Năm 2016, Toyota Việt Nam bán được 57.036 xe, thị phần 21%.

Tổng lượng ôtô bán ra của Hyundai Thành Công đạt 36.400 xe, tăng 34% so với năm 2015 với nhiều mẫu xe như SantaFe, Getz (sau này là i20), Elantra, Tucson, đặc biệt là xe cỡ nhỏ i10 chiếm quá nửa tổng lượng xe tiêu thụ.

Ford Việt Nam cũng được ghi nhận khi có 29.011 xe bán ra, thị phần 10,7%…

Có thể thấy, năm 2016, những động thái “khuấy sóng” thị trường của các đại gia ôtô, cộng với nhu cầu mua sắm ôtô của người tiêu dùng tăng cao do đời sống kinh tế được cải thiện đáng kể, đã tạo nên sự khác biệt lớn, xóa đi nhiều lo ngại về biến động tiêu cực của thị trường.

VAMA dự báo, lượng ôtô bán ra trong năm 2017 sẽ tăng khoảng 10% so với 2016. Các chuyên gia đánh giá thị trường ôtô Việt Nam có xu hướng tăng mạnh hơn nữa khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Đáng quan tâm hơn, năm 2016, thị trường ôtô Việt Nam vượt “đỉnh” 300.000 xe/năm sau hơn 20 năm, xe lắp ráp trong nước tăng mạnh (tăng 32% so với năm 2015). Thị trường đã đủ lớn để các nhà sản xuất ôtô trong nước hướng tư duy đến việc tăng tỷ lệ nội địa hóa - một trong những yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp hỗ trợ mà nhiều năm qua bàn nhiều song chưa làm được bao nhiêu bởi dung lượng thị trường còn nhỏ bé (dưới 200.000 xe/năm).

Tăng nội tỷ lệ địa hóa cũng là một phương cách cạnh tranh hữu hiệu với các dòng ôtô ngoại giá rẻ đang lăn bánh vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN trong năm 2017 giảm còn 30% so với mức 40% của năm 2016 và sẽ về 0% vào năm 2018.

Dĩ nhiên, tăng tỷ lệ nội địa hóa nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào “tâm” và “sức” của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cơ hội mới đã thấy trước mắt, đừng bỏ lỡ!

Nguồn: Trần Phương/Báo Công Thương điện tử