Với mong muốn nâng cao nhận thức xã hội về Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, tạo ra sân chơi thiết thực dành cho sinh viên khối ngành kinh tế, thương mại điện tử và các ngành liên quan, nâng cao chất lượng nhân lực ngành, sáng ngày 10/9/2019, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát động cuộc thi “Tài năng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2019”.
Cuộc thi có sự đồng hành, phối hợp tổ chức của Amazon Global Selling, Tập đoàn T&T Group. Bên cạnh đó, ban tổ chức và các đơn vị tham gia sẽ tuyển chọn và ươm mầm cho các sinh viên tiềm năng thông qua cuộc thi. Góp phần thúc đẩy, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển TMĐT xuyên biên giới.
Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, ở Việt Nam, các hoạt động TMĐT ngày càng phát triển phong phú đặc biệt là hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của giới trẻ.
Là đơn vị quản lý nhà nước về TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định TMĐT xuyên biên giới là hướng đi của thời đại mới. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, TMĐT xuyên biên giới sẽ là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường đó mà vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.
Theo bà Lại Việt Anh, TMĐT xuyên biên giới hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Tổng giao dịch TMĐT xuyên biên giới toàn cầu (B2C) ước tính đến năm 2020 đạt 994 tỉ USD. Khu vực Châu Á được dự đoán sẽ đóng góp 40% tổng giá trị TMĐT xuyên biên giới vào năm 2025.
Theo thống kê, năm 2018 doanh thu TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 8 tỉ USD, với kết quả đó Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới, dự báo 2020 có thể lên mức 15 tỉ USD. TMĐT xuyên biên giới sẽ là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường đó mà vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.
Tuy nhiên, việc tận dụng lợi ích TMĐT xuyên biên giới mạng lại của doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và KTS) cho biết, hiện nay, cứ 5 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp tìm cách đưa tên tuổi, sản phẩm của doanh nghiệp mình hiện diện trên môi trường trực tuyến. 4 doanh nghiệp còn lại chưa tiếp cận, tạo ra một dư địa rất lớn. Một trong những rào cản lớn chính là nguồn nhân lực có kỹ năng kinh doanh trực tuyến, logistics quốc tế, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ cũng như khâu thanh toán quốc tế… Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực am hiểu TMĐT xuyên biên giới là cách nhanh nhất giúp doanh nghiệp Việt nam kết nối với khách hàng, tìm kiếm thị trường và gia tăng doanh thu xuất khẩu. Ông Nguyễn Kỳ Minh khẳng định, sinh viên chính là nguồn nhân lực tốt nhất, chỉ một vài năm nữa, khi các bạn tốt nghiệp và đi làm, các bạn sẽ làm việc trong các doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp cho doanh nghiệp của chính mình, các bạn sẽ đưa doanh nghiệp tiếp cận với thương mại điện tử. Và Cuộc thi “Tài năng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2019” chính là cơ hội tốt nhất để các bạn trải nghiệm thực tế, trang bị các kiến thức, kỹ năng một cách tốt nhất giúp doanh nghiệp các bạn thành công trong tương lai.
Ông Trần Xuân Thủy, giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định, năm 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng bán hàng offline, gấp 6 lần. Tại kênh bán hàng của Amazon Global Selling, nhiều sản phẩm Việt được khách hàng toàn cầu ưa chuộng, các doanh nghiệp Việt cũng đã nhanh chóng tiếp cận các cơ hội và quảng bá, kinh doanh sản phẩm Việt đến bạn bè quốc tế và đã gặt hái thành công. Ông Trần Xuân Thủy đã chia sẻ thêm về cách thức mở rộng kinh doanh và hoàn thiện chi phí với Amazon FBA; cách xây dựng thương hiệu và nắm bắt phản hồi từ người mua hàng trên Amazon... Theo đó, lời khuyên của Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam dành cho người bán là "phát triển dựa trên chất lượng sản phẩm", vì chỉ khi đưa ra sản phảm với chất lượng tốt nhất, kinh doanh bằng chính niềm tin và sự đảm bảo, bạn mới thành công; bên cạnh đó, phải có đam mê, kiên trì và quyết tâm....
Chắp cánh cho hàng Việt bay ra thị trường thế giới
Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số chia sẻ, trong những năm gần đây, các sự kiện TMĐT được tổ chức thường xuyên với quy mô sâu rộng. Tại nhiều diễn đàn về TMĐT do Bộ Công Thương, Cục TMĐT và KTS tổ chức, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ mong muốn trở thành doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực TMĐT đưa các sản phẩm do người Việt Nam sản xuất vươn ra thị trường thế giới. Các điển hình thành công trong và ngoài nước về TMĐT, TMĐT xuyên biên giới chứng minh rằng ước mơ “Chắp cánh cho hàng Việt bay ra thị trường thế giới” là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Cuộc thi “Tài năng Thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2019” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Amazon Global Selling, Tập đoàn T&T tổ chức là một trong những chương trình hướng tới mục tiêu tìm kiếm, phát hiện những tài năng kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, góp phần phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, nâng cao nhận thức xã hội về TMĐT xuyên biên giới và đẩy mạnh hoạt động đào tạo chuyên ngành TMĐT xuyên biên giới trong các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam.
Nhà giáo ưu tú Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định, Trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất, động viên, hỗ trơ các sinh viên tham gia cuộc thi này. Theo Phó Hiệu trưởng, giải thưởng của cuộc thi chỉ là một phần nhỏ, điều quan trọng nhất là sinh viên sẽ được học hỏi, giao lưu, thử sức với một lĩnh vực rất tiềm năng hiện đang phát triển mạnh mẽ và là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế.
Thông tin thêm về Thể lệ cuộc thi, ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết, cuộc thi sẽ tổ chức hàng năm, mỗi năm một lần, trong tên gọi sẽ kèm theo số năm của năm đó. năm 2019, vòng sơ tuyển của cuộc thi bắt đầu từ 10/9/2019 đến 10/10/2019, vòng chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 10/01/2019.
Cuộc thi hướng đến đối tượng là các sinh viên đang theo học các hệ đào tạo trong trường đại học của Việt Nam, dự thi theo nhóm (tối thiểu 2 người, tối đa 4 người). Một trường có thể có nhiều nhóm tham gia. Nhóm sinh viên dự thi sẽ thể hiện các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh liên quan tới sản phẩm, dịch vụ có thể triển khai với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới (với giải pháp Amazon - FBA). Năm 2019, cuộc thi hướng đến chủ đề: "Chắp cánh cho hàng Việt bay ra thị trường thế giới". Thông tin chi tiết về cuộc thi, xin mời truy cập http://cbe.ecomviet.vn/.
Nguồn: Moit.gov.vn