- Số ca nhiễm Virus corona tiếp tục tăng trên toàn cầu, nhất là ở Mỹ;
- Các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt thống nhất cắt giảm sản lượng, trong bối cảnh
nhu cầu dầu thế giới tiếp tục giảm sâu do chính sách giãn cách xã hội trên toàn cầu;
- Trung Quốc khôi phục sản xuất.
Dầu mỏ: Giá giảm mạnh trong tuần qua dù OPEC+ cắt giảm sản lượng. Nguyên nhân vì nhu cầu xăng dầu trên toàn cầu giảm
Ngày 12/4, OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian 2 tháng (5-6/2020), tương đương 10% sản lượng dầu toàn cầu.
Tuy nhiên, quyết định đó hầu như không tác động đến thị trường dầu tuần qua vì các chuyên gia cho rằng quyết định đưa ra quá muộn và thị trường thế giới đang dư thừa quá nhiều dầu.
Giám đốc nghiên cứu của công ty WisdomTree Investments, ông Nitesh Shah, dự báo nhu cầu dầu thế giới giảm 15 - 22 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020. Nhà phân tích Edward Moya thuộc OANDA - trụ sở tại New York (Mỹ) – nhận định dịch COVID-19 có thể làm nhu cầu dầu thế giới giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày và nhu cầu dầu thô không thể khôi phục như bình thường cho đến năm 2022.
Vàng: Giá vàng tuần qua tăng mạnh, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm do các nhà đầu tư mua mạnh vì lo ngại các chính phủ tăng cường kích thích kinh tế sẽ dẫn tới lạm phát.
Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh trên toàn cầu khiến các chính phủ buộc phải tung ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tung gói hỗ trợ 2.300 tỉ USD dành cho các doanh nghiệp và lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến lo ngại lạm phát tăng đột ngột. Chi phí lãi vay thấp sau khi các chính phủ đồng loạt hạ lãi suất cũng là nguyên nhân đẩy giá vàng leo cao. Bên cạnh đó, tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với việc mở cửa lại nền kinh tế là một yếu tố khác để các nhà đầu tư có thể tìm nơi trú ẩn an toàn.
Theo khảo sát của chuyên trang vàng Kitco.com cho thấy tất, ở thời điểm hiện tại, cả chuyên gia phân tích và phần lớn nhà đầu tư đều tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, không có ai dự báo giá giảm hay giữ quan điểm trung lập như những tuần trước. Đây là một tỷ lệ dự báo hiếm hoi về diễn biến giá vàng.
Trái cây
Nguy cơ Châu Á thiếu cung chuối
Xuất khẩu chuối từ Philippines – nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 thế giới và chiếm khoảng 20% tổng lượng chuối xuất khẩu của toàn thế giới – có thể giảm khoảng 40% trong năm 2020 do các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho hoạt động vận chuyển chuối bị gián đoạn. 90% chuối xuất khẩu của Philippines sang Châu Á, chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo sau 2 tuần nữa, các thị trường nhập khẩu chuối truyền thống của Philippines sẽ cảm nhận được tác động từ những biện pháp giãn cách xã hội hiện tại của Philippines.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều thông báo giá và nguồn cung chuối trên 2 thị trường này chưa có sự biến động.
Các giải pháp tiêu thụ trái cây của Thái Lan
Do khó khăn về xuất khẩu trái cây, Chính phủ Thái Lan đang đưa ra một số giải pháp như sau:
+ Tập trung đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa bằng cách:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm
- Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thu mua trái cây
- Tăng cường chế biến sau thu hoạch
- Giao ngành Bưu điện chịu trách nhiệm vận chuyển trái cây, trợ giá việc vận chuyển
- Nới lỏng các quy định hạn chế di chuyển đối với người lao động, nhất là đối với lao động làm việc tại nông trại và người thu hoạch trái cây;
- Đào tạo các nhà sản xuất trái cây để họ tăng cường bán hàng qua hình thức trực tuyến, đưa sản phẩm trực tiếp từ tay người sản xuất đến tay người tiêu dùng;
- Bộ Thương mại lên kế hoạch kết nối giữa người mua, các doanh nghiệp nhập khẩu của thị trường nước ngoài và các doanh nghiệp Thái Lan, tổ chức nhiều sự kiện kết nối kinh doanh trực tuyến, đồng thời cử các đoàn công tác xúc tiến bán trái cây, giới thiệu sản phẩm sang các nước láng giềng và nước ngoài, nhất là các nước láng giềng vốn có mối quan hệ thương mại truyền thống với Thái Lan.
- Khuyến cáo người dân cần tăng cường ăn trái cây trong mùa dịch để tăng cường sức khỏe, với mức độ tiêu thụ cần thiết là 400 gr/người/ngày để tăng sức miễn dịch.

Nguồn: VITIC tổng hợp