Giá lúa gạo hôm nay 11/11: Giá lúa thu đông neo ở mức cao
Giá lúa gạo hôm nay 11/11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chững lại sau phiên điều chỉnh tăng. Cụ thể, lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.700 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.500 – 6.650 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; nếp tươi Long An 8.000 – 8.100 đồng/kg; nếp tươi An Giang 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 9.800 – 10.000 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.800 – 9.900 đồng/kg; cám khô ở mức 8.700 – 8.800 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất duy trì ổn định so với hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.
Bà Đoàn Xuân Khánh Quyên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice), thông tin, giá lúa gạo nội địa đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua liên tục tăng, có ngày tăng tới hai ba giá (200 - 300 đồng/kg). Hiện ở nhiều vùng, lúa mới khoảng 50 - 60 ngày tuổi đã có thương lái đến đặt vấn đề giá cả và đặt cọc. Còn giá gạo xuất khẩu, nếu so với mức giá đỉnh hồi tháng 10 thì nay tiếp tục tăng bình quân từ 10 - 20 USD/tấn.
Thực tế, từ đầu tháng 11 đến nay, bảng thông báo giá gạo nội địa của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) thường xuyên ở trạng thái “xanh” - tăng giá. Đến ngày 7/11, giá tất cả sản phẩm lúa gạo đều tăng từ 200 - 417 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, vụ lúa thu đông 2022, nông dân trên địa bàn xuống giống gieo trồng được 66.839ha lúa, đạt 114% so với kế hoạch và hiện đã thu hoạch được 59.012ha, sớm hơn 2.303ha so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 55,33 tạ/ha, tương đương so với cùng kỳ.
Giá heo hơi hôm nay 11/11: Tăng nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay 11/11 điều chỉnh tăng nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên cả nước.
Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tiếp tục tăng nhẹ ở một số địa phương và dao động trong khoảng trong khoảng 55.000 - 59.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng tăng 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại hai tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc được thu mua cùng mức 56.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành khác, giá heo hơi hôm nay ổn định so với ngày trước đó, trong đó, Thái Bình là địa phương ghi nhận mức giá cao nhất khu vực 59.000 đồng/kg. Thấp hơn một giá, tỉnh Hưng Yên ở mức 58.000 đồng/kg. Còn tại Hà Nội tiếp tục giữ mức 57.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại duy trì mức giá từ 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm qua và dao động trong khoảng 54.000 - 58.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thu mua tại hai tỉnh Ninh Thuận và Đắk Lắk lần lượt tăng 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg lên cùng mức 54.000 đồng/kg. Tương tự, hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận cùng ghi nhận mức giá 55.000 đồng/kg sau khi lần lượt tăng 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có giá thu mua duy trì tại mốc 58.000 đồng/kg - cao nhất khu vực. Các địa phương còn lại trong khu vực, giá heo hơi hôm nay dao động trong khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay biến động tăng giảm trái chiều tại một số địa phương và dao động trong khoảng 51.000 - 57.000 đồng/kg. Theo đó, cùng tăng 1.000 đồng/kg, thương lái tại hai tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh đang thu mua heo hơi với giá 56.000 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại TP HCM tăng 1.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, tỉnh Cần Thơ có mức giao dịch giảm 2.000 đồng/kg còn 52.000 đồng/kg. Tại các tỉnh còn lại, giá thu mua đi ngang trên diện rộng, trong đó, TP Vũng Tàu tiếp tục đạt mức cao nhất khu vực với 57.000 đồng/kg.
Kể từ tháng 11/2022, một loạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đồng loạt ra thông báo tăng giá bán sản phẩm từ 120 - 400 đồng/kg tùy loại. Và nguyên nhân tăng được các công ty đưa ra là do tình hình giá nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí sản xuất thức ăn liên tục tăng cao, kèm theo đó là tỉ giá USD tăng chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Cụ thể, ngày 29/10, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Đặc Khu Hope Việt Nam có quyết định tăng giá tất cả sản phẩm 200 đồng/kg, áp dụng từ ngày 31/10/2022. Ngày 31/10, nhà máy thức ăn chăn nuôi VICOMFEED cũng đưa ra quyết định điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, áp dụng từ ngày 07/11/2022.
Công ty cổ phần dinh dưỡng quốc tế Á Châu cũng có thông báo từ ngày 9/11/2022, sản phẩm thức ăn chăn nuôi của đơn vị này sẽ tăng từ 200-350 đồng/kg. Trong đó, sản phẩm đậm đặc và tập ăn áp dụng mức tăng 350 đồng/kg; tăng 250 đồng/kg đối với các sản phẩm hỗn hợp cho heo nái, heo thịt, gà thịt; và các sản phẩm hỗn hợp cho vịt thịt, vịt đẻ, gà đẻ tăng 200 đồng/kg.
Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Nhật cũng điều chỉnh giá bán các loại thức ăn chăn nuôi từ ngày 16/11/2022. Cụ thể, sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm thịt; cám cá tăng 200 đồng/kg; sản phẩm đẻ tăng 150 đồng/kg. Phương thức áp dụng là điều chỉnh trên bảng giá và Công ty nhận đặt cọc, giữ giá cho đợt tăng này. Công ty Việt Nhật cũng mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng.
Công ty TNHH Haid Hải Dương cũng quyết định điều chỉnh tăng giá cám gia súc gia cầm thịt, gia cầm đẻ 300 đồng/kg, áp dụng cho tất cả các sản phẩm từ ngày 07/11/2022.
Cũng trong tháng 11 nhiều công ty cũng báo tăng giá các loại thức ăn chăn nuôi như: Công ty CP Tập đoàn KINPLUS; Công ty TNHH Thiên Thành HD; Công ty cổ phần Nam Việt… Theo một số doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn bổ sung, phụ gia từ châu Âu, giá các loại thức ăn bổ sung cũng tăng khoảng 10%, do căng thẳng gia năng lượng tại đây vẫn còn tiếp diễn.
Cà Mau: Trúng mùa, được giá tôm càng xanh nuôi trên đất lúa
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, thực tiễn đã chứng minh việc áp dụng mô hình “con tôm ôm cây lúa” trong những năm qua tại Cà Mau đã mang lại giá trị bền vững.
Thời điểm gần cuối năm, nông dân tại nhiều địa phương vùng Bắc Cà Mau như U Minh, Thới Bình đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ tôm càng xanh.
Vụ tôm năm nay, bên cạnh thời tiết thuận lợi, việc chủ động trong sản xuất giúp tôm càng xanh nuôi trên đất lúa cho năng suất cao, bán được giá.
Vụ mùa năm nay, tỉnh Cà Mau có gần 20.000ha nuôi tôm càng xanh trên đất lúa, trong đó huyện Thới Bình có hơn 16.000ha; huyện U Minh có trên 3.000ha.
Với 4ha đất trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh, gia đình ông Lương Thanh Tiền, ấp 17, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh mỗi năm đều có nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc kết hợp nuôi các loại tôm, cua khác, tùy theo thời điểm của mùa vụ cũng đã góp thêm vào tổng thu nhập hằng năm của gia đình lên hơn 500 triệu đồng.
Tôm càng xanh được thương lái đến tận nơi thu mua với giá dao động từ 85.000-95.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha tôm càng xanh trên đất trồng lúa, nuôi tôm sú, nuôi cua năm nay, người nuôi có lãi từ 50-60 triệu đồng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, hằng năm đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất. Những năm qua, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa của người dân đạt hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích.
Việc phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp với nhau đã giúp cho nhiều người dân Cà Mau vươn lên khá giàu. Những hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất cũng từ học hỏi các mô hình phát triển đa con này, giúp kinh tế dần ổn định.
Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình, phổ biến kỹ thuật nuôi tôm càng xanh xen canh trên đất trồng lúa để càng có nhiều bà con thực hiện hơn nữa, từ đó phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống./.