Theo số liệu của Mysteel Global, giá phế liệu HMS 80:20 tại Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 12 đã tăng lên 370 USD/tấn, chỉ 10 ngày sau đó lên 405 USD/tấn, từ mức chỉ khoảng 210 USD/tấn hồi cuối tháng 3/2020.

Tuần trước, các nhà máy thép Hàn Quốc cho biết họ mua phế liệu Shindachi với giá 47.000 JPY/tấn (cfr) và phế liệu HS ở mức giá 46.000 JPY/tấn.

Tại Trung Quốc, xu hướng giá thép phế liệu của nước này song song với đà tăng giá phế liệu toàn cầu. Sau 7 tuần tăng liên tiếp, chỉ số giá thép phế liệu của Mysteel đã tăng lên mức cao nhất kể từ 1/4/2013, giữa bối cảnh nhu cầu mạnh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc để tăng lượng dự trữ đủ dùng trong mùa đông và giá thép thành phẩm cũng như các nguyên liệu chính trong sản xuất thép đều tăng.
Dữ liệu của Mysteel cho thấy, giá thép Q235 4,75mm HRC của Trung Quốc đã tăng 8 tuần liên tiếp lên 4.494 CNY/tấn (đã bao gồm 13% VAT) trong tuần thứ 2 của tháng 12/2020.
Tại Việt Nam, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép là quặng sắt và thép phế liệu cũng tăng cao bất thường và đã thiết lập mốc giá mới trong tháng 11/2020, theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). VSA cũng nhận định, căng thẳng thương mại giữa các nước, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cho giá thép tăng theo.
Trong tháng 11/2020, giá thép phế nội địa tăng mạnh từ 700 - 900 đồng/kg, giữ mức 7.600 đến 7.800 đồng/kg. Sang tuần thứ 2 của tháng 12/2020 giá ở mức 8.200 đồng/kg (345,14 USD/tấn) đối với loại 3mm, tương đượng loại H2; trong khi phế liệu chất lượng cao (busheling scrap) giá 8.800 đồng/kg.
Thời điểm đầu tháng 12/2020, giá bán thép trong nước ở mức bình quân 12.000 – 12.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm, và từng doanh nghiệp cụ thể.
Nhìn chung các nhà máy thép Việt Nam không theo đuổi giá tăng còn các nhà sản xuất phôi thép Việt Nam đang cạnh tranh với các nhà máy phôi thép Trung Quốc để cung cấp hàng xuất khẩu cho các khách hàng trong khu vực.

Nguồn: VITIC/Fastmarkets, Mysteel, Aisusteel