Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 11h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,20 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 56,72 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,10 triệu đồng/lượng - bán ra 56,60 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,15 triệu đồng/lượng - bán ra 56,55 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán)
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 56,25 triệu đồng/lượng - bán ra 56,64 triệu đồng/lượng (tăng 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.855 – 1.860 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.855 – 1.860 USD/ounce, giảm 1- 4 USD/ounce so với giao dịch sáng hôm qua.
Đêm 25/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.865 USD/ounce. Vàng giao tháng 2 trên sàn Comex New York ở mức 1.869 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 25/1 cao hơn khoảng 22,6% (345 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 52,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng thế giới giảm do giới đầu tư lo ngại gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ sẽ không dễ dàng được thông qua. Mặc dù vậy, sự suy yếu của USD đã phần nào kìm hãm đà giảm của vàng.
Kim loại quý đã chứng kiến một đợt tăng giá đáng ngạc nhiên trong tuần trước để chào mừng tân Tổng Thống Mỹ Joe Biden. Giới phân tích đặt câu hỏi, liệu đây có thể là sự khởi đầu của một đợt tăng giá mới hay không? Vàng tăng giá thể hiện sự lạc quan về việc ông Biden có thể nhanh chóng thông qua các biện pháp kích thích kinh tế để cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới khỏi khủng hoảng vì Covid-19.
Hiện, giới đầu tư chờ đợi diễn biến cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), diễn ra vào ngày 26-27/1. Vàng luôn được xem là hàng rào chống lạm phát. Những gói kích thích khổng lồ của ngân hàng trung ương các nước là yếu tố thúc đẩy giá mặt hàng này đi lên.
Vàng cũng được hưởng lợi từ nhu cầu vàng ở vào thời điểm cận Tết Nguyên tại Trung Quốc và Singapore.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi mà “tuần trăng mật” của Tổng thống Biden có thể sẽ không kéo dài. Quốc hội Mỹ cũng như báo chí Mỹ có thể sẽ xem xét thận trọng các chính sách của vị tân tổng thống.
Nhiều chuyên gia tiếp tục lạc quan về triển vọng tăng giá của vàng nhưng dự báo vàng có thể đi lên theo kiểu bậc thang, chứ không tăng nhanh như trước đó. Dù vậy, vàng được dự báo sẽ vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce khi gói kích cầu được thông qua.
Theo Adrian Day, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Adrian Day Asset Management nhận định, nguyên tắc cơ bản ủng hộ vàng, đặc biệt là chính sách tiền tệ nới lỏng đang được theo đuổi trên khắp thế giới, trong trung và dài hạn, giá vàng cao hơn đáng kể.
Trong khi đó, một số ngân hàng như Goldman Sachs, Commerzbank và CIBC dự báo giá vàng ở mức 2.300 USD vào năm 2021, dù rằng các nhà đầu tư, ngân hàng đã điều chỉnh mức dự báo thấp hơn trước đó, như Bank of American dự báo vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2021.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA Edward Moya đánh giá, ngày càng có nhiều kỳ vọng đây là một giai đoạn tăng giá. Mức 1.900 USD/ounce có thể là mức kháng cự ngắn hạn và có thể đạt 1.950 USD/ounce vào giữa tháng 2/2020.
Trang Kitco News cũng nhận thấy, vàng đang giữ vững lập trường bất chấp bà Janet Yellen đưa ra quan điểm đồng USD sẽ mạnh lên.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các yếu tố thúc đẩy giá vàng năm 2021 là thâm hụt thương mại tăng, lạm phát tăng và giá cổ phiếu quá cao.
Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, giá vàng sẽ tăng trong nửa đầu năm 2021; kỳ vọng giá sẽ sớm đạt lại ngưỡng 2.000 USD/ounce và đạt mức cao mới.