Từ ngày 1-10, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cấp bằng lái xe quốc tế trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
Theo Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành và có hiệu lực từ 1-10, bằng lái xe quốc tế có thời hạn không quá 3 năm kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia.
Hạng xe được phép điều khiển của bằng lái quốc tế tương ứng với các hạng xe của giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp.
Đối tượng được cấp giấy phép lái xe quốc tế là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET, còn giá trị sử dụng.
Để được cấp bằng lái xe quốc tế, người dân nộp đơn đề nghị theo quy định tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải các tỉnh để kiểm tra tính chính xác và hợp pháp.
Khi nộp đơn phải xuất trình bản chính giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp, hộ chiếu, thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị để kiểm tra, đối chiếu.
Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải các tỉnh sẽ thực hiện cấp bằng lái cho người dân. Trường hợp không cấp thì phải trả lời và nêu rõ lý do.
Bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam. Vì sao lại như vậy? Trong một lần trao đổi với TBKTSG Online bên lề một hội thảo diễn ra tại TPHCM hồi tháng 5, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đây là quy định của công ước Vienna, các nước tham gia công ước này cũng thực hiện như vậy. Giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam đã có bằng lái quốc gia nên bằng quốc tế sẽ không có giá trị.
Theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến đầu năm 2015 đã có 85 nước tham gia công ước Vienna trong đó có một số nước lớn như Đức, Pháp, Úc, Tây Ban Nha.... Như vậy, bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp sẽ được sử dụng tại các nước tham gia công ước Vienna.