Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền chủ trì quản lý giá sữa hiện đang còn ý kiến khác nhau giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương.

Bộ Công thương tham gia từ nhập khẩu đến lưu thông sữa

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sữa là sản phẩm đặc biệt quan trọng đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Ở Việt Nam, sữa cho trẻ em chủ yếu là hàng nhập khẩu hoặc có nguyên liệu từ nhập khẩu. Trong khi với mặt hàng sữa nhập khẩu, vai trò của Bộ Công thương rất quan trọng, từ khâu trước khi nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường.

“Do đó, Bộ Công thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi như đề xuất của Bộ Tài chính tôi cho là phù hợp với tình hình thực tế”, ông Phong nhấn mạnh.

Trong văn bản trình Chính phủ, Bộ Tài chính cũng cho biết, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng duy nhất từ khi Luật Giá và NĐ 177 có hiệu lực thi hành đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện chủ trương và các biện pháp BOG.

Việc triển khai thực hiện BOG sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thời gian qua đã đạt được kết quả tốt, giúp ổn định mặt bằng giá sữa trên thị trường, giảm gánh nặng chi phí bất hợp lý cho người tiêu dùng do giá sữa tăng quá cao bất hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình xã hội.

Tuy nhiên, việc quản lý cũng đang gặp rất nhiều vướng mắc do danh mục mặt hàng sữa do Bộ Y tế quản lý, việc kiểm tra, giám sát các tổ chức, cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn lại phải dựa vào cơ quan quản lý thị trường (Bộ Công thương) và 70% nguồn sữa bột là nhập khẩu, cũng là một khâu do Bộ Công thương quản lý.

Bộ Công thương quản giá sữa là phù hợp

Cụ thể theo Bộ Tài chính, mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi gồm nhiều thương hiệu, chủng loại khác nhau và khi bắt đầu thực hiện biện pháp BOG thì danh mục này do Bộ Y tế quản lý nhưng chưa được ban hành.

Bộ Công thương quản lý cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài, qua đó có thể nắm được tình hình giá sữa nhập khẩu của các thị trường, diễn biến giá, nguồn cung thị trường thế giới và đồng thời có hệ thống cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh.

Do đó, khi Bộ Tài chính chủ trì thực hiện BOG sữa nêu trên phụ thuộc nhiều vào công tác phối hợp của các bộ chuyên ngành. Tại địa phương, sở tài chính được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai, hướng dẫn công tác BOG sữa lúc đầu cũng gặp nhiều vướng mắc do chưa có danh mục mặt hàng sữa do Bộ Y tế quản lý, việc kiểm tra, giám sát các tổ chức, cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn tỉnh rất khó khăn và phải dựa vào cơ quan quản lý thị trường.

Trên cơ sở thực tiễn điều hành, quản lý giá sữa trong thời gian vừa qua cho thấy, vai trò của Bộ Công thương rất quan trọng từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông sữa trên thị trường.

Theo đó, ngày 10/9/2015, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sang Bộ Công thương và đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý về chủ trương, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung NĐ 177 để khắc phục những bất cập nảy sinh và phù hợp với những quy định mới sau khi Luật Phí, lệ phí được Quốc hội thông qua.

Trên cơ sở đó, căn cứ Điều 17 Luật Giá quy định các biện pháp BOG, dự thảo NĐ 177 sửa đổi đã bổ sung thêm các biện pháp BOG thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương và Bộ Y tế để tăng thêm các công cụ điều tiết giá đối với mặt hàng BOG do các bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn.

Trong đó, tách quy định về thẩm quyền áp dụng các biện pháp BOG của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành 2 khoản riêng để đảm bảo rõ ràng, bao gồm điều hòa cung cầu hàng hóa; kiểm soát hàng tồn kho; đăng ký giá và định giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trên cơ sở bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp BOG của Bộ Công thương, dự thảo Nghị định sửa đổi thẩm quyền của Bộ Tài chính áp dụng biện pháp đăng ký giá đối với các mặt hàng BOG trừ mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc thẩm quyền Bộ Công thương. Theo đó, việc tiếp nhận và rà soát biểu mẫu đăng ký giá, hướng dẫn đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công thương.

Được biết, tính từ thời điểm mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vào danh mục BOG, từ 1/6/2014 đến ngày 23/9/2016, đã có 888 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, kê khai giá trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và sở tài chính các địa phương. Theo Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, giá bán lẻ các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm khoảng từ 0,1-34%, tùy từng loại, so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn.

Nguồn: Hoàng Lâm/Thời báo Tài chính Việt Nam

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2016-10-10/gia-sua-cho-tre-em-duoi-6-tuoi-bo-cong-thuong-quan-ly-la-phu-hop-thuc-tien-36536.aspx