Kế hoạch xác định mục tiêu phấn đấu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố từ 7,5-8%, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bảo đảm các cân đối vĩ mô; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.
Hà Nội khôi phục đà tăng trưởng kinh tế
Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Đặc biệt là thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đáng chú ý, về mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh, các sở, ban, ngành của thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở hướng dẫn của các bộ ngành triển khai thực hiện: Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Thực hiện các quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn; Phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư trong kiểm soát dịch bệnh và thực hiện chính sách.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế.
Song song với bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ của thành phố bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất…
Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022 từ 7 - 7,5%
Ngày 21/3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là phục hồi tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường và bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế; duy trì hoạt động ổn định và thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp. Về chỉ tiêu, kế hoạch xác định: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 7 - 7,5% (trong đó: Dịch vụ tăng 7,1-7,7%; công nghiệp tăng 7,3-7,8%; xây dựng tăng 10,2-10,6%; nông nghiệp tăng 2,5-3%...); GRDP/người năm 2022 từ 139-141 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 5%.
Cùng với triển khai thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi tăng trưởng kinh tế; thu hút vốn đầu tư phát triển; phát triển doanh nghiệp), UBND thành phố giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã: Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại kế hoạch này; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố về việc triển khai kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao.
UBND thành phố cho biết, năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến thể Delta lây lan nhanh, diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Khắc phục khó khăn do dịch bệnh, thành phố đã đạt được mục tiêu tổng quát với các kết quả quan trọng, toàn diện, trong đó, nhiều chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Tuy nhiên, có 4 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế không hoàn thành: Tăng trưởng GRDP tăng 2,92% (kế hoạch đề ra là 7,5%); GRDP bình quân đầu người đạt 128,2 triệu đồng, thấp hơn kế hoạch đề ra là 135 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội không đạt kế hoạch (giảm 0,8%; kế hoạch đề ra là tăng 10%); kim ngạch xuất khẩu tăng 0,9% (kế hoạch đề ra là 5%).
Với tinh thần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; với tinh thần tự phê bình và phê bình, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã thẳng thắn, cầu thị và chỉ ra các nhóm tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chính vì vậy, UBND thành phố xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về tăng trưởng kinh tế đã được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương