Tổng cục Thống kê cho biết, trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 9 giảm so với tháng trước; CPI tháng 9/2015 so với tháng 12 cũng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng là đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác. Trong đó, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng mạnh nhất với mức tăng 1,24%.

4 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, bưu chính viễn thông. Trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với mức giảm là 3,17%.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI giảm là do giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 19/8 và ngày 3/9. Điều này làm CPI chung của tháng 9 giảm khoảng 0,28%.

Ngoài ra, giá gas được điều chỉnh giảm cũng là nguyên nhân khiến CPI giảm, đây là tháng thứ 4 liên tiếp giá gas giảm nhẹ với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình 12 kg.

Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm nên chỉ số lương thực, thực phẩm giảm 0,14%. Thời tiết chuyển sang mùa thu nên nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%.

Tổng cục Thống kê cho rằng, CPI 9 tháng đầu năm có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 trở lại đây. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,04%. Sau 9 tháng CPI tăng 0,4% so với cuối năm 2014.

“Khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường” – theo Tổng cục Thống kê.

Phạm Hà Nam