Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Tuấn Nghĩa, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay, tính riêng trong năm 2014, doanh thu mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội ước đạt 428.681 tỷ đồng, trong đó, doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm 4% tỷ lệ doanh thu.

“So với kế hoạch Chính phủ đề ra cả năm là 5% thì mức 4% như hiện tại là hoàn toàn khả thi, và có thể đạt được. Con số này tạo thêm động lực để mở rộng biên độ và chiếm mức cao hơn trong bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng của Hà Nội”, ông Nghĩa khẳng định.

Ông Nghĩa cũng cho biết, trong thời gian tới, chính quyền Hà Nội sẽ xây dựng phương án nhằm đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, gặp gỡ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý hành vi, vi phạm trên môi trường mạng, thiết lập môi trường kinh doanh trực tuyến an toàn, lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng trên mạng...

Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, thương mại điện tử là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và xã hội thông tin. Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Vì vậy, theo ông Linh, dự thảo chính sách quản lý thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử. Dự thảo đưa ra kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, về hạ tầng thương mại điện tử, mục tiêu tiến đến năm 2020 là xây dựng và phát triển các tiện tích thanh toán thương mại điện tử và hệ thống quản lý thanh toán thương mại điện tử quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử, các cơ chế để giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

Về quy mô thị trường thương mại điện tử, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng đạt trung bình 350 USD/người; Doanh số thương mại điện tử đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.  

Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, ông Lĩnh cho hay, sẽ có khoảng 60% doanh nghiệp hiện diện trên internet, giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Hơn nữa, theo ông Lĩnh, sẽ có khoảng 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn sử dụng dịch vụ của các cá nhân, hộ gia đình băng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Về kinh phí thực hiện kế hoạch tổng thể, ông Linh cho biết, nguồn vốn được hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế...

Liên quan đến mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới, đại biểu Lê Văn Thắng, một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, hiện nay, các hoạt động chế tài chủ yếu thực hiện trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, chưa có các biện pháp chế tài cho sàn thương mại điện tử thế giới như Amazon, Ebay... 

"Điều này làm quan ngại khi tạo ra trách nhiệm thì các doanh nghiệp trong nước phải thực hiện, còn doanh nghiệp nước ngoài không áp dụng. Cần phải cân nhắc vì đây là vấn đề khó, sớm hay muộn cũng phải có biện pháp để đảm bảo quản lý nhất định đối với đối tượng”, ông Thắng nói.

Về vấn đề này, ông Linh cho hay, đây là đặc điểm thuận lợi của Internet khi bán hàng trên phạm vi toàn cầu.  

“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ làm và tiến tới có thỏa thuận, cam kết với các doanh nghiệp nước ngoài đảm bảo uy tín giữa các quốc gia lẫn nhau, giúp giải quyết tranh chấp khi phát sinh”, ông Linh khẳng định.

Kiều Linh