Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi có vaccine phòng Covid-19 để ứng phó dịch bệnh, giao thương kinh tế của nhiều quốc gia đã khởi sắc nên việc nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam cũng tăng lên.
Cụ thể, trong tháng 6, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 142,6 triệu USD. Trong nửa đầu nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 708,9 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả tích cực này là dấu hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
Về thị trường Trung Quốc - Hong Kong, việc xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt thành phố lớn ghi nhận các ca dương tính, khiến việc vận chuyển hàng bị gián đoạn. Cảng Trạm Giang, một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc, thông báo tạm ngừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác từ 20/6 đến 15/7. Tuy vậy, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong nửa đầu năm vẫn đạt 206,5 triệu USD, chỉ giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường Mỹ, cuối tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 01/8/2018 - 31/7/2019. Theo đó, 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này được hưởng mức thuế CBPG 0%. Đây là tin vui cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Trong tháng 6, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 34,4 triệu USD, tăng 68%. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 168,7 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo, trong quý tới, mức tăng trưởng dương này sẽ còn được duy trì.
Về khối CPTPP: Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang khối nước CPTPP trong nửa đầu năm nay tăng 8,8%, đạt 108,4 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp Việt đã tích cực chuyển hướng xuất khẩu sang Mexico, Canada, Australia khi thị trường EU, ASEAN gặp khó.
Tính đến hết tháng 6 năm nay, tổng giá trị xuất khẩu sang Mexico đạt 37 triệu USD, tăng 78,3%; sang Canada đạt 18,1 triệu USD, tăng 17,7% và sang Australia đạt 15,4 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành chưa mừng vui được bao lâu vì kết quả đạt được trong 2 quý đầu năm thì làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt khi các trường hợp nhiễm mới tập trung tại khu vực phía Nam là thủ phủ của ngành sản xuất cá tra.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, xe container, xe tải di chuyển từ TP HCM đến đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên lâm vào tình trạng ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Hơn nữa, việc giãn cách hàng loạt các tỉnh phía Nam và yêu cầu chỉ duy trì hoạt động với các doanh nghiệp tuân thủ mô hình "3 tại chỗ" gây khó cho loạt đơn vị có lượng nhân công lớn.
VASEP cho hay, ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến có hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500-3.000 người, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000-10.000 lao động, mật độ lao động cao.
“Khi một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly, không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm, gây thiệt hại đến ngành”, VASEP nhận định.

Nguồn: ndh.vn