1. Đánh giá chung
Tháng 12/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 70,53 tỷ USD, tăng 6,2%, tương ứng tăng 4,13 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu là 35,53 tỷ USD, tăng 5,3%, tương ứng tăng 1,8 tỷ USD và nhập khẩu là 35 tỷ USD, tăng 7,2%, tương ứng tăng 2,33 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 105,22 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 50,81 tỷ USD và nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%, tương ứng tăng 54,41 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 12/2024 thặng dư 524 triệu USD. Tính chung cả năm 2024 thặng dư 24,77 tỷ USD, thấp hơn 12,7% so với con số thặng dư 28,36 tỷ USD của năm trước.
Trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong năm 2024 đạt 529,86 tỷ USD, tăng 13,6% (tương ứng tăng 63,62 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 289,21 tỷ USD, tăng 12,5% tương ứng tăng 32,03 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 240,65 tỷ USD, tăng 15,1% tương ứng tăng 31,59 tỷ USD so với năm 2023.
Trong khi đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng 19,4% so với năm trước, với trị giá là 256,44 tỷ USD (tương ứng tăng 41,59 tỷ USD). Xuất khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 116,33 tỷ USD, tăng 19,3% tương ứng tăng 18,78 tỷ USD và nhập khẩu là 140,11 tỷ USD, tăng 19,5% tương ứng tăng 22,82 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
2. Thị trường xuất nhập khẩu
Thị trường xuất khẩu:
- Hoa Kỳ: trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2024 đạt 119,46 tỷ USD, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỷ USD) so với năm trước và chiếm 29,5% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Trong năm 2024, xuất khẩu sang Hoa Kỳ có 16 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% (tương ứng tăng 6,18 tỷ USD); tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng 3,85 tỷ USD); hàng dệt may đạt 16,15 tỷ USD, tăng 11,6% (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,82 tỷ USD, tăng 24,3% (tương ứng tăng 1,92 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,06 tỷ USD, tăng 24% (tương ứng tăng 1,75 tỷ USD)… so với năm trước.
- Trung Quốc: trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2024 đạt 60,89 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,3% so với năm trước. Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong những năm gần đây cũng đã giảm tốc, cụ thể năm 2020 tăng 17,9%; năm 2021 tăng 14,3%; năm 2022 tăng 3,2%; năm 2023 tăng 5,3% và năm 2024 chỉ tăng 0,3%.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc trong năm 2024 gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 15,44 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 1,43 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,64 tỷ USD, giảm 3,1% (tương ứng giảm 406 triệu USD); hàng rau quả đạt 4,63 tỷ USD, tăng 27,3% (tương ứng tăng 993 triệu USD)…so với năm trước.
- EU(27 nước): trong năm 2024, xuất khẩu sang EU (27 nước) đạt 51,66 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng 8,08 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,76 tỷ USD, tăng 66,9% (tương ứng tăng 4,31 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 8,72 tỷ USD, tăng 24,9% (tương ứng tăng 1,74 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,38 tỷ USD, giảm 13,4% (tương ứng giảm 1,14 tỷ USD)…so với năm trước.
- ASEAN: xuất khẩu sang thị trường ASEAN trong năm 2024 đạt 36,54 tỷ USD, tăng 13,6%, tương ứng tăng 4,37 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu gạo đạt 3,93 tỷ USD, tăng 44,3% (tương ứng tăng 1,21 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,79 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 312 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,48 tỷ USD, tăng 26,9% (tương ứng tăng 738 triệu USD)…so với năm trước.
- Hàn Quốc: trị giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2024 là 25,55 tỷ USD, tăng 9%, tương ứng tăng 2,1 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,73 tỷ USD, tăng 18,6% (tương ứng tăng 899 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,56 tỷ USD, tăng 1,3% (tương ứng tăng 46 triệu USD)..so với năm trước.
- Nhật Bản: trị giá xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong năm 2024 là 24,59 tỷ USD, tăng 5,6%, tương ứng tăng 1,3 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may đạt 4,33 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 273 triệu USD); phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,03 tỷ USD, tăng 2,9% (tương ứng tăng 86 triệu USD)…so với năm trước.
- Hồng Kông: trị giá xuất khẩu sang Hồng Kông trong năm 2024 đạt 12,42 tỷ USD, tăng mạnh tới 29%, tương ứng tăng 2,79 tỷ USD so với năm trước. Đây là mức trị giá xuất khẩu sang Hồng Kông cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2024, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Hồng Kông gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,16 tỷ USD, tăng 47,3% (tương ứng tăng 2,62 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,29 tỷ USD, tăng 50,6% (tương ứng tăng 432 triệu USD)…so với năm trước.
Thị trường nhập khẩu:
- Trung Quốc: tổng trị giá nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc trong năm 2024 đạt 144,02 tỷ USD, đã tăng mạnh tới 30,2%, tương ứng tăng 33,39 tỷ USD so với năm trước, chiếm tới 38% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Năm 2024, cả 5 nhóm hàng lớn nhất nhập khẩu từ Trung Quốc đều tăng rất mạnh. Cụ thể, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 34,59 tỷ USD, tăng 47,7% (tương ứng tăng 11,17 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 28,96 tỷ USD, tăng 28,7% (tương ứng tăng 6,45 tỷ USD); nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày đạt 15,59 tỷ USD, tăng 22,3% (tương ứng tăng 2,84 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,05 tỷ USD, tăng 24% (tương ứng tăng 1,75 tỷ USD); sắt thép các loại đạt 7,49 tỷ USD, tăng 32,5% (tương ứng tăng 1,84 tỷ USD) so với năm trước. Tính chung trị giá nhập khẩu của 5 nhóm hàng này đạt 95,67 tỷ USD, chiếm 66% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc.
- Hàn Quốc: trị giá nhập khẩu từ Hàn Quốc trong năm 2024 đạt 55,93 tỷ USD, tăng 6,6%, tương ứng tăng 3,46 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 31,89 tỷ USD, tăng 10,9% (tương ứng tăng 3,14 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 5,26 tỷ USD, giảm 3,2% (tương ứng giảm 175 triệu USD)…so với năm trước.
- ASEAN: trị giá nhập khẩu từ ASEAN trong năm 2024 đạt 47,06 tỷ USD, tăng 15% tương ứng tăng 6,15 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,01 tỷ USD, tăng 0,8% (tương ứng tăng 65,3 triệu USD); xăng dầu các loại đạt 4,75 tỷ USD, tăng 11,4% (tương ứng tăng 487 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,94 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 346 triệu USD)…so với năm trước.
- Đài Loan: trị giá nhập khẩu từ Đài Loan trong năm 2024 đạt 22,74 tỷ USD, tăng 23,5%, tương ứng tăng 4,32 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,86 tỷ USD, tăng 36,1% (tương ứng tăng 3,68 tỷ USD); vải các loại đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10,1% (tương ứng tăng 137 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,38 tỷ USD, tăng 5,9% (tương ứng tăng 77 triệu USD)…so với năm trước.
- Nhật Bản: trị giá nhập khẩu từ Nhật Bản trong năm 2024 đạt 21,59 tỷ USD, giảm 0,2%, tương ứng giảm 39,4 triệu USD so với năm trước. Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,73 tỷ USD, giảm 8,4% (tương ứng giảm 615 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 4,01 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1%; sắt thép các loại đạt 1,5 tỷ USD, tăng 4,4% (tương ứng tăng 64 triệu USD)…so với năm trước.
- EU(27 nước): trị giá nhập khẩu từ EU (27 nước) trong năm 2024 đạt 16,73 tỷ USD, tăng 12%, tương ứng tăng 1,8 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,72 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 523 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,41 tỷ USD, tăng 6,2% (tương ứng tăng 200 triệu USD)…so với năm trước.
- Hoa Kỳ: trị giá nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong năm 2024 đạt 15,1 tỷ USD, tăng 9,3%, tương ứng tăng 1,28 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,34 tỷ USD, tăng 13,4% (tương ứng tăng 513 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 19,7% (tương ứng tăng 181 triệu USD); thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 1,02 tỷ USD, tăng 33,3% (tương ứng tăng 254 triệu USD)…so với năm trước.
3. Xuất khẩu hàng hóa
Trị giá xuất khẩu hàng hóa trong tháng 12/2024 đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3%, tương ứng tăng 1,8 tỷ USD so với tháng trước.
Trong đó, tăng mạnh ở một số nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,11 tỷ USD; cà phê tăng 335 triệu USD; hàng dệt may tăng 322 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 109 triệu USD… so với tháng trước.
Kết thúc năm 2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 50,81 tỷ USD) so với năm trước.
Trong đó, tăng mạnh ở các nhóm hàng sau: nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 15,26 tỷ USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 9,06 tỷ USD; hàng dệt may tăng 3,72 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,81 tỷ USD; giày dép các loại tăng 2,64 tỷ USD; hàng rau quả tăng 1,55 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo tăng 1,54 tỷ USD và điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,52 tỷ USD; cà phê tăng 1,38 tỷ USD và hàng thủy sản tăng 1,07 tỷ USD.
Biểu đồ 1: Trị giá xuất khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất trong năm 2024
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính
- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 12/2024 là 7,33 tỷ USD, tăng 17,8% so với tháng trước.Tính chung, trong năm 2024 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 72,58 tỷ USD, chiếm tới 18% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 26,6% (tương ứng tăng 15,26 tỷ USD) so với năm trước.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong năm 2024 sang Hoa Kỳ, EU(27 nước), Hồng Kông, Hàn Quốc tăng mạnh, trong khi đó xuất sang Trung Quốc lại giảm. Cụ thể, xuất sang Hoa Kỳ với 23,2 tỷ USD, tăng 36,3%; Trung Quốc với 12,64 tỷ USD, giảm 3,1%; EU (27 nước) với 9,9 tỷ USD, tăng 63,7%; Hồng Kông với 8,16 tỷ USD, tăng 47,3%; Hàn Quốc với 5,73 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm trước.
- Điện thoại các loại và linh kiện: xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 12/2024 là 3,65 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước. Qua đó nâng mức trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2024 lên 53,89 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ hai trong tất cả các nhóm hàng và chiếm 13% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Với kết quả này, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,9% so với năm trước, nhưng vẫn giảm 7,1% so với năm 2022.
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong năm 2024 chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc với 15,44 tỷ USD, giảm 8,5%; Hoa Kỳ với 9,82 tỷ USD, tăng 24,3%; EU (27 nước) với 6,28 tỷ USD, giảm 12,8% so với năm trước.
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: tháng 12/2024, xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 4,39 tỷ USD, giảm 6,3% so với tháng trước. Tính chung trong năm 2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 52,19 tỷ USD, đứng vị trí thứ ba trong tất cả các nhóm hàng và tăng 21% (tương ứng tăng 9,06 tỷ USD) so với năm trước.
Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,2% và EU(27 nước) đạt 7,36 tỷ USD, tăng 23,7% so với năm trước. Tính chung, xuất khẩu sang máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng sang 2 thị trường này đạt 29,41 tỷ USD, chiếm 56% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Hàng dệt may: tháng 12/2024, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,37 tỷ USD, tăng 10,6% so với tháng trước. Tính chung, trong năm 2024, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt 37,04 tỷ USD, tăng 11,2% (tương ứng tăng 3,72 tỷ USD) so với năm trước.
Trong năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang Hoa Kỳ đạt 16,15 tỷ USD, tăng 11,6%; Nhật Bản đạt 4,33 tỷ USD, tăng 6,7%; EU (27 nước) đạt 4,32 tỷ USD, tăng 12,2% và Hàn Quốc đạt 3,15 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước.
Giày dép các loại: tháng 12/2024, xuất khẩu giày dép các loại đạt 2,11 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước. Tính chung, trong năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 22,87 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 2,64 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu giày dép các loại của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 18,11 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm tỷ trọng 79% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; xuất khẩu giầy dép các loại của doanh nghiệp trong nước là 4,76 tỷ USD, tăng 21% và chiếm tỷ trọng 21%.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2024 là Hoa Kỳ đạt 8,28 tỷ USD, tăng 15,7%; EU (27 nước) đạt 5,82 tỷ USD, tăng 18,5%; Trung Quốc đạt 1,91 tỷ USD, tăng 2,3%; Nhật Bản đạt 1,09 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ: trị giá xuất khẩu trong tháng 12/2024 đạt 1,57 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước. Tính chung trong năm 2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,28 tỷ USD, tăng mạnh 20,9% (tương ứng tăng 2,81 tỷ USD) so với năm trước.
Trong năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 9,06 tỷ USD, tăng mạnh 24% (tương ứng tăng 1,75 tỷ USD) và chiếm 56% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
- Hàng thủy sản: tháng 12/2024, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 874 triệu USD, giảm 4,8% so với tháng trước. Tính chung, trong năm 2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 10,04 tỷ USD, tăng 11,9%, tương ứng tăng 1,07 tỷ USD so với năm trước.
Trong năm 2024, hàng thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ với 1,83 tỷ USD, tăng 17,6%; Trung Quốc với 1,73 tỷ USD, tăng 29,4%; Nhật Bản với 1,53 tỷ USD, tăng 1,1%; EU(27 nước) với 1,04 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.
- Hàng rau quả: tháng 12/2024, xuất khẩu hàng rau quả đạt 529 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng trước. Tính chung, xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 đạt 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% (tương ứng tăng 1,55 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng (mã HS 0810.60.00) đạt 3 tỷ USD, tăng tới 42,5%, tương ứng tăng 893 triệu USD so với năm trước và chiếm tỷ trọng 42% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu quả thanh long (mã HS 0810.90.92) trong năm 2024 là 493 triệu USD, lại giảm 17,3% so với năm trước.
Trong năm 2024, hàng rau quả của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 4,63 tỷ USD, tăng 27,3% (tương ứng tăng 993 triệu USD) so với năm trước và chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
- Gạo: lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 9,03 triệu tấn, tăng 11,1% so với năm trước và trị giá đạt 5,67 tỷ USD, tăng 21,2%
Gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường ASEAN với 6,43 triệu tấn, chiếm 71% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và tăng 31% so với năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Trung Quốc là 285 nghìn tấn, giảm tới 69% so với năm trước.
- Hạt tiêu: lượng hạt tiêu xuất khẩu trong năm 2024 đạt 249 nghìn tấn, giảm 6,2%, tuy nhiên đơn giá bình quân xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh tới 53,9% nên trị giá đạt 1,31 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm trước.
Hạt tiêu của Việt Nam chủ yếu được xuất sang thị trường Hoa Kỳ với 73,72 nghìn tấn, tăng 33,9% và thị trường EU(27 nước) với 48,63 nghìn tấn, tăng 35,3% so với năm trước. Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 10,1 nghìn tấn, giảm mạnh tới 80,3% so với năm trước.
4. Nhập khẩu hàng hóa
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 12/2024 đạt hơn 35 tỷ USD, tăng 7,2% (tương ứng tăng 2,34 tỷ USD) so với tháng trước. Đây là tháng có trị giá nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay và vượt mốc 35 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 12/2024, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, quy mô nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 đã tăng 54,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, nhập khẩu hàng hóa có tới 47/53 nhóm hàng chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,09 tỷ USD, tương ứng tăng 21,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 7,31 tỷ USD, tương ứng tăng 17,6%; sắt thép các loại tăng 2,15 tỷ USD, tương ứng tăng 20,6%; chất dẻo nguyên liệu tăng 2,02 tỷ USD, tăng 20,7%.
Biểu đồ 2: 10 nhóm hàng có trị giá nhập khẩu cao nhất trong năm 2024 so với năm 2023
- Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 12 đạt 9,32 tỷ USD, tăng 0,7%, tương ứng tăng 64 triệu USD so với tháng trước. Trong năm 2024, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD, đạt 107,05 tỷ USD, tăng 21,7%, tương ứng tăng 19,09 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, trị giá nhập khẩu của khối FDI là 97,49 tỷ USD, tăng 21,3%, tương ứng tăng 17,09 tỷ USD và của khối doanh nghiệp trong nước là 9,6 tỷ USD, tăng 26,3%, tương ứng tăng gần 2 tỷ USD so với năm 2023.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng này từ các thị trường: Trung Quốc đạt 34,59 tỷ USD, tăng 47,7%, tương ứng tăng 11,17 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 31,89 tỷ USD, tăng 10,9%, tương ứng tăng 3,14 tỷ USD; Đài Loan đạt 13,86 tỷ USD, tăng 36,1%, tương ứng tăng 3,68 tỷ USD so với năm trước.
- Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: trị giá nhập khẩu của nhóm hàng trên tháng 12/2024 là 4,68 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và là tháng có trị giá nhập khẩu cao nhất trong năm. Nhập khẩu nhóm hàng này tăng dần qua các quý trong năm, cụ thể: quý I đạt 10,36 tỷ USD; quý II đạt 12,13 tỷ USD, quý III đạt 12,98 tỷ USD và quý IV đạt 13,41 tỷ USD.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong năm 2024 xác lập kỷ lục mới với trị giá nhập khẩu đạt 48,89 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 7,31 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 13% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong năm 2024 với trị giá đạt 28,96 tỷ USD, tăng 28,7%; tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc với 5,26 tỷ USD, giảm 3,2%; Nhật Bản với 4,01 tỷ USD xấp xỉ với mức nhập khẩu của năm 2023.
- Sắt thép các loại và sản phẩm: trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong tháng 12 đạt 1,69 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng trước, tương ứng tăng 80 triệu USD.
Trong năm 2024, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm đạt 19,07 tỷ USD, tăng mạnh 21% (tương ứng tăng 3,3 tỷ USD) so với năm 2023. Trong đó, trị giá nhập khẩu của sắt thép các loại đạt 12,58 tỷ USD, tăng 20,6% và lượng nhập khẩu đạt 17,71 triệu tấn, tăng 32,9%.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ các thị trường: Trung Quốc với lượng đạt 12,03 tỷ USD, tăng 32,2% (tương ứng tăng 2,93 tỷ USD), Hàn Quốc đạt 1,96 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 170 triệu USD), Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 2,1% (tương ứng tăng 39 triệu USD) so với năm 2023.
- Nhóm hàng nguyên nhiên liệu (bao gồm than các loại, dầu thô, xăng dầu các loại và khí đốt hóa lỏng): lượng nhập khẩu nhóm hàng nguyên nhiên liệu trong tháng 12/2024 đạt 8,03 triệu tấn, tăng 35,4% so với tháng trước (tương ứng tăng 2,1 triệu tấn). Tính chung trong năm 2024 lượng nhập khẩu nhóm hàng này là 90,79 triệu tấn, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 15,9 triệu tấn).
Trong đó, lượng nhập khẩu của than các loại là 63,82 triệu tấn, tăng 24,9%, lượng nhập khẩu dầu thô các loại đạt 13,44 triệu tấn, tăng 24,9% và lượng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng là 3,11 triệu tấn, tăng 24%.
Đối với xăng dầu các loại, lượng nhập khẩu trong năm 2024 là là 10,42 triệu tấn, tăng 3,6% so với tháng trước.
Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 5,11 triệu tấn, giảm 7,9% và chiếm 49% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 2,79 triệu tấn, tăng 36,4% lần và chiếm 27%; lượng nhiên liệu bay nhập về đạt gần 2 triệu tấn, tăng 7,8% và chiếm 19% lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước.
Lượng nhập khẩu nguyên nhiêu liệu vào Việt Nam trong năm 2024 chủ yếu từ Inđônêxia là 27,45 triệu tấn, tăng 41,8%; Ôxtrâylia là 17,49 triệu tấn, giảm 12,1% và từ Côoét là 11,9 triệu tấn, tăng 28,2%.
Hóa chất và sản phẩm từ hóa chất: trong tháng 12, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 1,41 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 105 triệu USD) so với tháng trước. Trong năm 2024, nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 16,02 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 690 triệu USD) so với năm trước.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hóa chất và sản phẩm từ hóa chất từ thị trường Trung Quốc với trị giá nhập khẩu đạt 6,48 tỷ USD, tăng 2,2%, tương ứng tăng 148 triệu USD và chiếm 40% trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
- Nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày (bao gồm vải, bông, xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may, da giày): nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày trong tháng 12/2024 đạt 2,45 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước, tương ứng tăng 85 triệu USD.
Tính chung trong năm 2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 27,65 tỷ USD, tăng 15%, tương ứng tăng 3,62 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam trong năm 2024, chiếm tỷ trọng 56%, với 15,59 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc với 2,16 tỷ USD, giảm 1,9%; Đài Loan với 2,08 tỷ USD, tăng 7,2%; Hoa Kỳ `với 1,2 tỷ USD, giảm 8,9%.
- Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm: nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 12 đạt 1,95 tỷ USD, tăng 7%, tương ứng tăng 128 triệu USD so với tháng trước. Tính đến hết năm 2024, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 20,63 tỷ USD, tăng 19,5%, tương ứng tăng 3,37 tỷ USD so với năm 2023.
Các thị trường chính cung cấp chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, tăng 32,8%, tương ứng tăng 2,05 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 3,85 tỷ USD, tăng 14,8%, tương ứng tăng 495 triệu USD và Đài Loan đạt 1,5 tỷ USD, tăng 16,1%, tương ứng tăng 208 triệu USD so với năm trước.
- Kim loại thường và sản phẩm: trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong tháng 12 đạt 1,21 tỷ USD, tăng 7,4%, tương ứng tăng 84 triệu USD so với tháng trước. Tính đến hết năm 2024, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 12,76 tỷ USD, tăng 29%, tương ứng tăng 2,87 tỷ USD so với năm 2023.
Các thị trường chính cung cấp kim loại thường và sản phẩm cho Việt Nam trong năm 2024 bao gồm: Trung Quốc đạt 5,29 tỷ USD, tăng 32,1%; Hàn Quốc đạt 1,73 tỷ USD, tăng 16,2%; Ôxtraylia đạt 1,1 tỷ USD, tăng 88,8% so với năm trước.
- Ô tô nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng ô tô: lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng là 12.881 chiếc, giảm 27,9% so với tháng trước. Trong năm 2024 lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu là 173.561 chiếc, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 142.773 chiếc, tăng 47,8%, tương ứng tăng 46.167 chiếc; tiếp theo là ô tô loại khác đạt 15.739 chiếc, tăng 1,9 lần, tương ứng tăng 7.462 chiếc; ô tô tải là 15.008 chiếc, tăng 4,4%, tương ứng tăng 629 chiếc so với năm 2022. Riêng ô tô trên 9 chỗ ngồi trong năm 2024, Việt Nam chỉ nhập về 401 chiếc.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2024 chủ yếu có xuất xứ từ Inđônêxia và Thái Lan, chiếm 78% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Trong đó: nhập khẩu từ Inđônêxia là 70.728 chiếc, tăng 65,7%; nhập khẩu từ Thái Lan là 63.769 chiếc, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.