Các số liệu mới nhất về hoạt động sản xuất được công bố trong bối cảnh thị trường toàn cầu lao dốc sau khi Trump thực hiện đúng lời đe dọa trước đó, ra lệnh áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc vào thứ Bảy (01/02).
Những thách thức từ Trung Quốc và sự không chắc chắn về tác động của các chính sách của Trump có thể tạo ra áp lực lớn cho các nhà hoạch định chính sách Châu Á, khi nhiều nền kinh tế trong khu vực phụ thuộc vào tiêu dùng của Trung Quốc và thương mại toàn cầu.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn trong tháng 01/2025, trong khi số lượng nhân sự giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm do những bất ổn về thương mại gia tăng, theo một khảo sát khu vực tư nhân công bố vào thứ Hai (03/02).
Dù vậy, kết quả này vẫn khả quan hơn so với cuộc khảo sát chính thức công bố tuần trước, trong đó cho thấy hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bất ngờ suy giảm trong tháng 01/2025.
Tác động từ sự suy yếu của Trung Quốc và mối đe dọa thuế quan từ Mỹ đang lan rộng, với hoạt động sản xuất của Nhật Bản giảm trong tháng 01/2025 – tốc độ giảm nhanh nhất trong 10 tháng, còn niềm tin kinh doanh chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm.
Tại Hàn Quốc, hoạt động sản xuất chỉ tăng nhẹ vào tháng 01/2025, trong khi hoạt động sản xuất của Đài Loan và Philippines chậm lại do triển vọng thương mại toàn cầu ngày càng ảm đạm.
“Tâm lý thận trọng đang bao trùm các doanh nghiệp Châu Á trước mối đe dọa thuế quan của Trump. Các nhà sản xuất cũng không mấy lạc quan về triển vọng của Trung Quốc, khi tiêu dùng khó có thể tăng mạnh do tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong nhóm lao động trẻ,” ông Toru Nishihama, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường kinh tế mới nổi tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định.
“Thuế quan của Trump cũng có thể đẩy nhanh lạm phát tại Mỹ và giữ đồng USD mạnh, từ đó gây áp lực giảm giá lên các đồng tiền Châu Á mới nổi. Khi thương mại toàn cầu suy giảm, điều này sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất Châu Á,” ông nói thêm.
Tác động từ thuế quan của Trump đã khiến cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc cùng các nhà cung ứng giảm mạnh tại Châu Á vào thứ Hai (03/02), khi thông báo mới nhất của Trump gây tổn thất cho các nhà xuất khẩu trong khu vực.
Chỉ số PMI sản xuất tại Trung Quốc do Caixin/S&P Global công bố giảm xuống 50,1 điểm vào tháng 01/2025 từ mức 50,5 điểm trong tháng 12/2024, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích và chạm mức thấp nhất trong bốn tháng. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn nằm trên ngưỡng 50 – mức phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Tại Nhật Bản, chỉ số PMI do Ngân hàng au Jibun công bố giảm xuống 48,7 điểm trong tháng 01/2025 từ mức 49,6 điểm của tháng 12/2024, đánh dấu tháng thứ bảy liên tiếp chỉ số này dưới ngưỡng 50, báo hiệu sự thu hẹp trong ngành sản xuất.
Ngược lại, PMI của Hàn Quốc tăng lên 50,3 điểm trong tháng 01/2025 từ mức 49,0 điểm của tháng 12/2024, khi tâm lý kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị trong nước, theo khảo sát của S&P Global.
Tại Đông Nam Á, PMI của Việt Nam giảm xuống 48,9 điểm trong tháng 01/2025 từ 49,8 điểm của tháng 12/2024, trong khi chỉ số của Đài Loan cũng giảm từ 52,7 xuống 51,1 điểm. Chỉ số PMI của Philippines giảm mạnh từ 54,3 xuống 52,3 điểm.
Trái ngược với xu hướng suy yếu trong khu vực, hoạt động sản xuất tại Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong sáu tháng nhờ nhu cầu vững chắc và sản lượng mạnh mẽ.