Xuất khẩu giảm mạnh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 12/2022, Việt Nam xuất khẩu được 519.782 tấn hạt điều, trị giá 3,08 tỷ USD. So với năm 2021, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về trị giá. Với kết quả này, ngành điều đã không hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD, qua đó phản ánh một năm đầy khó khăn, đồng thời chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu điều kéo dài 10 năm (từ năm 2011-2021).

“Tình hình thị trường điều rất trầm lắng. Mặc dù qua Tết là vào vụ thu hoạch và bắt đầu chế biến điều, nhưng đơn hàng vẫn nhỏ giọt, giá cả mịt mù”- ông Trần Văn Hiệp, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Xúc tiến thương mại Vinacas.

Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, trong suốt 25 năm hoạt động, Công ty Hoàng Sơn 1 luôn đạt mức tăng trưởng trên 20%. Riêng năm 2022, doanh số xuất khẩu của công ty đã giảm 12%. Hiện hàng hoá của công ty vẫn nằm trong kho, không bán được.
Theo chia sẻ của các DN trong ngành, hầu hết các giai đoạn trong năm 2022, các nhà nhập khẩu và chế biến có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, bao gồm sự không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân xuất khẩu. Giá điều thô vẫn ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân xuất khẩu thấp. Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban chính sách Vinacas cho biết, các nhà máy chế biến xuất khẩu đều rất khó khăn trong việc cân đối để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhiều số liệu đã cho thấy tác động ảnh hưởng dây chuyền của khủng hoảng năng lượng và lương thực lên lạm phát và sức khỏe của nền kinh tế các nước, cũng như tác động tiêu cực lên mức chi tiêu của người dân nói chung và sức mua của thị trường hạt điều nói riêng, giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn trước. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc chi tiêu cho thực phẩm không thiết yếu như hạt điều đã bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, thị trường lớn khác của hạt điều Việt Nam là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” đến cuối năm 2022 đã ảnh hưởng bất lợi nhất định đến ngoại thương và xuất khẩu nhân điều cũng như nông sản khác của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022.
Khó khăn tiếp tục kéo dài
Các chuyên gia, DN trong ngành điều đều dự báo rằng tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài sang năm 2023, tiêu thụ sẽ chậm và giá cả khó tăng trong thời điểm hiện tại.
Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Xúc tiến thương mại Vinacas cho biết: “Tình hình thị trường rất trầm lắng. Mặc dù qua Tết là vào vụ thu hoạch và bắt đầu chế biến điều, nhưng đơn hàng vẫn nhỏ giọt, giá cả mịt mù”.
Ông Nguyễn Minh Họa cho biết, không thể đưa ra dự báo cụ thể cho năm 2023 khi mà chiến tranh Nga – Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với đó là tình hình lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều Việt Nam. Đặc biệt là tình hình tồn kho nhân điều ở các kho, các cảng tại những thị trường này. “Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể về tình hình tồn kho này, nhưng việc hầu hết các nhà nhập khẩu nhân điều của châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác đều không có nhu cầu mua nhân điều cho đến hết quý 2/2023 cho cho thấy lượng tồn kho của họ đã đáp ứng đủ nhu cầu trong 2 quý đầu năm 2023” – ông Họa phân tích.
Theo ông Họa, thông thường ở thời điểm hiện tại của những năm trước, các DN đã ký hợp đồng ít nhất là đến quý 3 năm sau, nhưng năm nay thì cao nhất cũng chỉ đến tháng 6 và số lượng cũng rất ít, chỉ bằng 1/10 những năm trước. Điều đó cho thấy việc sản xuất kinh doanh của các DN điều trong năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn năm 2022. Bởi giá điều thô vẫn được bán ở mức rất cao, trong khi giá nhân bán ra rất thấp. Do đó, ông Họa cho rằng các DN nên thận trọng, không nên nhập khẩu điều thô với mức giá cao như hiện nay.
Ông Họa chỉ ra rằng, vào đầu năm 2022, giá nhân điều loại W320 ở mức 2,95-3,1 USD/pound (1 pound bằng 0,45 kg) và điều thô là 1.200 USD/tấn. Đầu năm nay, giá nhân điều W320 chỉ còn 2,5-2,6 USD/pound, nhưng giá điều thô Bờ Biển Ngà vẫn đang được chào ở mức 1.200 thậm chí 1.240 USD/tấn. Giá điều thô như vậy là quá cao nếu so với giá nhân điều hiện tại nên nguy cơ rủi ro là rất lớn.
Việc mở rộng diện tích trồng điều của các nước đã khiến cho sản lượng điều thô toàn cầu tăng lên nhanh chóng, ở mức 15-20%/năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nhân điều chỉ tăng khoảng 5-10%/năm, cộng với viễn cảnh không mấy sáng sủa của kinh tế các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều nên giá nhân điều rất khó tăng lên.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực, Trưởng ban kiểm tra Vinacas đề xuất Bộ Công Thương có các chương trình khuyến công, hỗ trợ DN đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế như BRC, Smeta, HCCP... Hỗ trợ, khuyến khích DN tìm khách hàng, đầu tư chế biến sâu, điều hữu cơ, dầu vỏ hạt điều và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, để tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm bao gồm các thị trường EVFTA và CPTPP, ông Bạch Khánh Nhựt cho rằng Bộ Công Thương cần tiếp tục hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm, ngành hàng; giúp quảng bá sản phẩm của ngành điều tại các hội chợ quốc tế, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; các hoạt động tư vấn, đào tạo nâng cao trình độ, kinh nghiệm cho các DN và hiệp hội...
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng và các rủi ro về thương mại tại các thị trường nước ngoài và hỗ trợ DN ngành điều khi có những khó khăn không lường trước được có thể xảy ra. 

Nguồn: Haiquanonline.vn