Tuần trước, trời mưa liên tục ở nhiều tỉnh Tây nguyên khiến không phơi được cà phê. Mọi năm, người dân chỉ phơi khoảng 20 đến 25 ngày nắng nhưng cơn bão số 9 vừa qua ảnh hưởng tới khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên khiến lượng mưa lớn, người dân phải phơi từ 30 đến 35 ngày mới có thể khô được.
Thời tiết bất lợi và dịch bệnh kéo dài đã làm thu hoạch vụ mùa mới tại vùng cà phê Tây nguyên Việt Nam bị kéo dài thêm vài tuần nữa. Điều này cũng khiến nguồn cung hàng vụ mới cho thị trường tiêu thụ bị chậm lại, sẽ góp phần hỗ trợ cho giá kỳ hạn London duy trì ở mức cao trong tháng đầu năm mới 2022.
Theo chuyên gia nhận định, thị trường cà phê trong nước bắt đầu sôi động nhưng không nhiều như những năm trước. Sản lượng thu mua chỉ được báo cáo ở mức 50%, do thu hoạch chậm và các biện pháp phòng trừ. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng được thực hiện nghiêm ngặt ở nhiều nơi.
Giá cà phê châu Á tuần vừa qua giảm trong bối cảnh nguồn cung ở Việt Nam ổn định trong khi lượng dự trữ ở Indonesia thấp.
Người trồng cà phê Việt Nam đang ráo riết thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất thế giới với 80% cà phê đã được thu hoạch.
Việc giao hàng cà phê Indonesia cũng chậm trễ tương tự như Việt Nam do đến kỳ nghỉ lễ.
Cà phê robusta Sumatra của tỉnh Lampung (Indonesia) kỳ hạn tháng 2 được chào bán với giá trừ lùi 230 đến 250 USD/tấn, so với mức trừ lùi 200 – 220 USD/tấn cách đây mọt tuần.
Trên thị trường thế giới, tính chung cả tuần, giá cà phê robusta giao tháng 3/2022 tăng 0,86% lên 2.353 USD/tấn. Giá arabica giao cùng kỳ hạn giảm 1,51% xuống 231,2 US cent/lb.
Arabica đã sụt giảm trở lại sau khi Conab – Brazil báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng của năm 2021. Theo đó, Conab điều chỉnh tổng sản lượng cà phê Brazil năm 2021 tăng 0,8 triệu bao lên ở mức 47,7 triệu bao. Bên cạnh đó còn do đầu cơ chốt lời ngắn hạn để tránh rủi ro trước kỳ nghỉ, người Brazil tăng cường bán xuất khẩu khi tỷ giá đồng real ở mức có lợi.
Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) công bố rằng tính từ đầu năm 2021 đến nay, một lượng cà phê xuất khẩu chừng 222.000 tấn bị giao trễ, do đợt bãi công trước đây tại cảng Santos và khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến việc giao hàng.
Với tình hình nguồn cung hạn chế ở một số nước lớn như Brazil, Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ, kèm theo đó nhu cầu tăng cao trong dịp lễ, giá cà phê thế giới được dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng mạnh.
Năm thứ hai, mùa nghỉ lễ Giáng sinh và đón Năm mới, cũng là một trong những dịp tiêu thụ cà phê lớn nhất trong năm tiếp tục trong không khí trầm lắng, người dân hạn chế ra ngoài. Nguy cơ về biến thể Omicron lây lan mạnh khiến mọi người có phần e ngại khi tham gia các hoạt động tập thể mà chọn phương án làm việc ở nhà, do đó lượng tiêu thụ cà phê hòa tan (nguyên liệu sản xuất chính là robusta) tăng theo.
Việc giá cà phê thế giới tiếp tục tăng giá vượt qua các kỷ lục 10 năm, nguyên nhân xuất phát từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung, bên cạnh tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài tới năm sau.
Hiện tại, do thiếu nguồn cung hạt arabica, một số nhà rang đang tìm đến phương án phối trộn cà phê arabica và robusta nhằm hạ giá bán. Điều này về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê robusta rang xay và lợi thế tiếp tục nghiêng về Việt Nam (với trên 90% diện tích cà phê là robusta).
Do thế giới bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh nên không giao dịch, do đó giá cà phê vẫn giữ ổn định trong mấy ngày qua.
Hôm nay, thứ Hai ngày 27/12, thị trường London nghỉ ngày Boxing Day, không giao dịch. Thị trường New York mở cửa muộn, sau 19 giờ 30’.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters