Các dự báo được đưa ra trong biểu đồ dot plot của Fed cho thấy khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần 25 điểm cơ bản nữa trong năm nay, sau đó là 2 đợt cắt giảm vào năm 2024, ít hơn 2 lần so với lần cập nhật gần đây nhất vào tháng 6. Theo đó, lãi suất liên bang sẽ ở khoảng 5,1%.
Ngoài duy trì lãi suất ở mức tương đối cao, Fed đang tiếp tục giảm lượng nắm giữ trái phiếu, thực hiện quá trình cắt giảm khoảng 815 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán từ tháng 6/2022. Fed loại bỏ khoảng 95 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) khỏi bảng cân đối kế toán mỗi tháng, thay vì tái đầu tư.
Tuy nhiên, các thành viên cũng điều chỉnh mạnh đối với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, với GDP dự kiến tăng 2,1%. Con số này cao hơn gấp đôi so với ước tính hồi tháng 6, cho thấy các thành viên không dự báo về một cuộc suy thoái sớm xảy ra. Triển vọng GDP năm 2024 tăng từ 1,1% lên 1,5%.
Theo đánh giá khách quan, Fed đã tỏ thái độ cứng rắn trong cuộc họp lần này, cho thấy được sức khỏe kinh tế Mỹ vẫn tốt và Fed vẫn còn dư địa để tăng lãi suất mà không làm tác động xấu đến nền kinh tế. Mục tiêu hạ cánh mềm của Fed có thể đang đi đúng hướng và do đó, trong bối cảnh hiện tại, Mỹ vẫn đang là điểm đến thích hợp nhất cho dòng tiền trên toàn cầu.
Cùng lúc này, sự chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và các nước khác đang khiến dòng tiền đầu tư vào Mỹ nhiều hơn với ưu thế về lãi suất. Điều này tiếp tục hỗ trợ đồng USD tăng cao hơn và vẫn duy trì được kỳ vọng tăng hiện tại.
Xu hướng tăng trở lại của đồng USD đang gây sức ép lên giá dầu, trong thời điểm này giá dầu đã điều chỉnh giảm theo dự báo từ kháng cự 91 USD/thùng trong phiên hôm qua.
Hiện tại giá đã có dấu hiệu phá vỡ mốc 88,8 USD/thùng và có thể sẽ giảm tiếp về vùng 87,3 USD/thùng.
Trong khi đó, thời điểm này phản ứng của thị trường về việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga có thể đã không còn nhiều tác động và đã được thị trường phản ảnh vào giá trong những tuần vừa qua.
Áp lực vĩ mô có thể khiến giá đồng giảm trong phiên hôm nay
Giá đồng giảm mạnh trong phiên sáng khi các nhà đầu tư tiếp tục hấp thụ quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Việc FED phát đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào cuối năm nay đã gây sức ép lên thị trường tài chính nói chung, do trước đó có nhiều ý kiến cho rằng FED sẽ giữ nguyên mức đỉnh lãi suất ở mức 5,25 – 5,5% trong phần còn lại của năm nay.
Mặc dù lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy vậy, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% và cuộc chiến chống lạm phát của FED vẫn còn nhiều khó khăn khi giá xăng dầu đang tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong khi thị trường lao động tích cực làm gia tăng áp lực lạm phát tiền lương. Do đó, nếu lạm phát không có dấu hiệu giảm tốc rõ ràng hơn, Fed có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay, đưa mức đỉnh lãi suất lên 5,5 – 5,75%.
Lo ngại về mức đỉnh lãi suất tiếp tục tăng cao thúc đẩy đồng USD duy trì ở mốc 105 điểm và hướng tới tuần tăng thứ 10 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2014. Đồng USD mạnh lên làm hạn chế lực mua đồng do chi phí đầu tư và mua đồng vật chất trở nên đắt đỏ hơn, gây sức ép tới giá.
Tuy vậy, yếu tố cung cầu có thể hạn chế đà giảm mạnh của giá đồng khi mà mới đây, dữ liệu từ Nhóm Nghiên cứu Đồng quốc tế cho biết thị trường đồng tinh chế đang ở trạng thái thâm hụt 19.000 tấn trong tháng 7.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Triển vọng Kim loại Công nghiệp nửa cuối năm 2023 của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), giá đồng được dự báo sẽ tăng 20% lên mức 9.800 USD/tấn vào năm 2027 từ mức 8.200 USD/tấn trong năm nay, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ đồng trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng 2,6% lên mức 29,8 triệu tấn vào năm 2027, trong khi nguồn cung đồng trong giai đoạn này dự kiến chỉ đạt 24,4 triệu tấn. Nhu cầu tăng cao vượt quá nguồn cung sẽ khiến thị trường đồng toàn cầu thâm hụt 5,4 triệu tấn vào năm 2027.
Giá đậu tương có thể giảm xuống dưới 1300 nếu dữ liệu trong báo cáo Export Sales tiêu cực
Sau nhịp hồi phục trong 2 phiên trước đó, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 quay trở lại xu hướng giảm. Như chúng tôi đã phân tích hôm qua, hiện triển vọng nguồn cung từ Brazil vẫn đang rất khả quan cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn, do đó sức ép đối với giá đậu tương sẽ rất lớn. Do đó, số liệu bán hàng đậu tương vụ mới của Mỹ trong báo cáo Bán hàng xuất khẩu (Export Sales) tối nay sẽ cần phải cải thiện đáng kể để có thể ngăn giá đậu tương giảm về dưới vùng 1300.
Hải quan Trung Quốc cho biết, nước này nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 08, với 9,09 triệu tấn có nguồn gốc từ Brazil, trong khi chỉ có 120.071 tấn có nguồn gốc từ Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng đậu tương Trung Quốc nhập khẩu từ Brazil tăng 45%, ngược lại các lô hàng hạt có dầu từ Mỹ giảm tới 58%. Những số liệu trên phản ánh sự dịch chuyển đáng kể trong nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Mỹ sang Brazil, chủ yếu do nguồn cung từ Nam Mỹ có giá hấp dẫn hơn nhờ vụ mùa bội thu. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đạt được những bước tiến trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ. Đây sẽ là yếu tố “bearish” mạnh đối với giá đậu tương CBOT không chỉ trong hôm nay, mà còn trong cả dài hạn.
Đối với báo cáo Export Sales tối nay, thị trường dự đoán khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần 08/09-14/09 sẽ nằm trong khoảng 550.000-1.200.000 tấn, so với mức 703.862 tấn được ghi nhận một tuần trước đó. Trong giai đoạn 08-14/09, chỉ xuất hiện duy nhất một đơn hàng đậu tương lớn được bán cho Trung Quốc, với khối lượng 121.000 tấn. Do đó, vẫn có nhiều khả năng số liệu bán đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần đánh giá sẽ thấp hơn so với tuần trước đó, thậm chí là nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Nếu kịch bản này xảy ra, giá đậu tương có thể giảm mạnh và phá vỡ vùng hỗ trợ 1290-1300.
Giá Arabica khó tiếp tục giảm sâu dù CONAB nâng dự báo sản lượng
Kết thúc phiên giao dịch 20/9, giá 2 mặt hàng cà phê đều giảm sau báo cáo khảo sát mùa vụ lần 3 của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB). Cụ thể, cơ quan này ước tính sản lượng cà phê năm 2023 của Brazil là còn 54,36 triệu bao, tăng 6,8% so với mức 50,92 triệu bao trong năm 2022. Trong đó, sản lượng Arabica đạt 38,16 triệu bao, cao hơn 1% so với dự báo trước và tăng 16,6% so với sản lượng trong năm 2022. Trái lại, sản lượng Robusta ở mức 16,2 triêu bao, giảm lần lượt 3,66 % và 11% so với báo cáo hồi tháng 5 và năm trước.
Với Arabica, các thông tin cơ bản trên thị trường đang chuyển dịch theo chiều hướng trái ngược nhau.
Trong báo cáo cuối phiên 20/9, tổng lượng cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm 7.263 bao loại 60kg về mức 440.853 bao, dù đã được phân loại bổ sung thêm 6.945 bao. Đây hiện là mức Arabica đang lưu trữ thấp nhất trong hơn 10 tháng. Hiện tại, trên Sở này còn 12.831 bao, có cơ hội cải thiện số liệu trong thời gian tới.
Mặc dù Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) đã hạ ước tính sản lượng cà phê trong năm 2023 của quốc gia này so với dự báo trước đó, nhưng đây vẫn là mức sản lượng cao thứ 3 trong 10 năm gần đây. Đặc biết, sản lượng Arabica tiếp tục được cơ quan này nâng ước tính trong báo cáo mới nhất nhờ sự gia tăng cả về diện tích và năng suất cây trồng. Nguồn cung ở mức cao sẽ gia tăng dư lượng để nông dân Brazil có thể sẵn sáng đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới năm 2024 và có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa vào cuối năm nay. Điều này được dự đoán sẽ gia tăng lượng tiền lớn trở lại với thị trường cà phê phái sinh, từ đó kích thích lực mua.