Nhà máy thép Panchenggang ở ngoại ô Thành Đô (Trung Quốc) đã trở thành một phần cuộc sống của Deng Wanyin. Người đàn ông 42 tuổi này làm nghề rèn thép 26 năm nay, sống cùng vợ trong căn hộ được hỗ trợ cho công nhân nhà máy. Con gái họ cũng học ở trường dành cho con cái công nhân.
Nhưng cuối tháng 3 vừa rồi, ông nhận được tin nhà máy sẽ phải đóng cửa. "Khi biết tin, tôi cảm thấy vô cùng trống rỗng. Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra", Deng nói.
Việc này đã khiến ông Deng cảm nhận rõ hơn về sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc đang làm chao đảo thị trường toàn cầu. Khoảng 16.000 công nhân ở nhà máy thép Panchenggang đã mất việc.
Việc đóng cửa các khu công nghiệp là một phần quá trình chuyển đổi hiện tại, khi các ngành công nghiệp nặng đang dần suy yếu do nhu cầu giảm và đầu tư quá mức. Chính phủ đang muốn lái nền kinh tế theo một hướng mới, tập trung và tiêu dùng, dịch vụ và công nghệ.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nghi ngại rằng quyết định chuyển đổi này là quá sức đối với Bắc Kinh. Sản lượng công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 6%, rất thấp so với 23% một thập kỷ trước. Còn mục tiêu tăng trưởng GDP 7% cũng là mức thấp nhất trong 25 năm qua.
Sau khi nhận được khoản đền bù 150.000 NDT (24.000 USD), ông Deng giờ phải lo kiếm việc làm để nuôi con gái học đại học. Rồi ông cũng được công ty thuê lại, làm việc tại một đơn vị thép nhỏ chưa bị đóng cửa, hơn với mức lương tương đương nhưng không có phụ cấp.
Tình trạng tương tự đang diễn ra tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp Trung Quốc. Các nhà máy giấy ở Đông Quan đang phải chuyển địa bàn sản xuất. Các nhà máy xi măng ở phía bắc Lộc Tuyền thì phải đóng cửa do chính quyền địa phương muốn nâng cấp khu này nhằm phục vụ du lịch.
Ở Thanh Bạch Giang, khu công nghiệp phía bắc Thành Đô nơi có nhà máy Panchenggang, hàng ngàn người đang tìm tới nơi khác để kiếm việc làm. Những tấm biển "Cho thuê nhà" treo khắp nơi và tình trạng trộm cắp vặt cũng tăng dần.
"Tôi không còn đủ tiền thuê nhà ở đây nữa", Lu Yufang (49 tuổi) - chủ cửa hàng tiện lợi bên dưới khu căn hộ tập thể Panchenggang cho biết. Tiền thuê nhà một tháng của bà là 700 NDT. Khoảng 10 năm trước, mỗi tháng bà kiếm được 3.000 NDT và đóng cửa hàng lúc 2 giờ sáng. Giờ đây, mới 9h tối đã không còn khách. "Ai mà nghĩ được một công ty nhà nước lại bị đóng cửa như thế này chứ!", bà Lu than thở.
Khi mở cửa năm 1958, Panchenggang được gọi là Nhà máy Sắt Thép Thành Đô. Đây là dự án mang tính dấu mốc tại một trong những khu công nghiệp trọng điểm đầu tiên của Trung Quốc. Nó giúp người dân có thu nhập tốt hơn, tiếp cận nhiều dịch vụ hơn so với việc làm nông.
Panchenggang là nhà máy thép quốc doanh lớn nhất Trung Quốc bị đóng cửa trong 6 thập kỷ qua. Việc cắt giảm quy mô lớn như vậy là rất hiếm hoi với một ngành công nghiệp có ảnh hưởng chính trị rộng rãi và là biểu tượng cho sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc như thế này. Sau khi Bắc Kinh giải thể các công ty vừa và nhỏ những năm 1990, ngành thép càng phát triển với 4 triệu lao động. Ngành này nằm trong kế hoạch của Chính phủ nhằm kiểm soát các lĩnh vực chủ chốt như kim loại, năng lượng, nước và giao thông. Sản lượng thép hàng năm hiện đạt 800 triệu tấn.
Ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp dư thừa công suất trên thị trường toàn cầu. Giá thép Trung Quốc đã giảm 60% từ năm 2012. Nhưng nhiều nhà máy và chính quyền địa phương vẫn phản đối việc đóng cửa, do nguồn cung việc làm dồi dào trong ngành.
Anshan Iron & Steel - công ty mẹ của Panchenggang, tuyên bố việc dừng hoạt động là để giảm dư thừa công suất. Trên trang web của Panchenggang, thông báo này được xem là "phản hồi và đóng góp tích cực" cho chính sách "quản lý môi trường".
Năm ngoái, quan chức địa phương cáo buộc nhà máy Panchenggang đưa quá nhiều chất thải ra môi trường. Công ty đã phải nộp phạt 400.000 NDT hồi tháng 4. Những người công nhân cho biết đó là nguyên nhân việc đóng cửa bị đẩy nhanh. Hiệp hội Thép Trung Quốc cho rằng việc đóng của Panchenggang sẽ là bước đệm để đóng cửa các nhà máy không cần thiết khác.
Đơn vị chế tạo thép ống nơi ông Deng làm việc giờ chỉ còn một phần tư lượng nhân công trước đây. Hai phần ba số công nhân ở Panchenggang bị sa thải hiện vẫn thất nghiệp. Nhiều bạn bè ở nhà máy của Deng đã rời Thanh Bạch Giang. Thế nên giờ đây, ông rất hiếm khi ra ngoài.
Bệnh viện Panchenggang ở trung tâm quận Thanh Bạch Giang đang được cơ cấu lại và bán cho một công ty tư nhân. 115 bác sĩ và nhân viên bị thôi việc và nhận đền bù. Những tòa nhà bỏ hoang thuộc nhà máy hiện là nơi tụ tập và đấu súng của các băng đảng xã hội đen, theo báo cáo trên truyền thông của cảnh sát địa phương. "Vấn đề an toàn hiện vẫn chưa quá đáng lo ngại, nhưng nạn "ăn quỵt" đang dần tăng", Lu Qilian, một tài xế taxi 70 tuổi cho biết.
Quan chức chính phủ đang rất hy vọng vào phát triển du lịch ở khu vực này. Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Thành Đô đã ban hành kế hoạch chi tiết nhằm tái cơ cấu khu công nghiệp Thanh Bạch Giang thành công viên công nghệ và hệ thống sản xuất thông minh.
Nhưng tới nay, các dự định này vẫn chưa thành hiện thực. Chính phủ vẫn đang tiến hành các biện pháp xoa dịu như mở các lớp đào tạo nghề - điều kiện để được nhận được trợ cấp thất nghiệp khoảng 1.500 NDT một tháng vòng 2 năm. Một cơ quan hỗ trợ tìm việc đã được thành lập, nhưng công nhân cho biết phương án này chưa thực sự hiệu quả.
Ông Deng muốn con gái được học ở một trong những trường đại học danh giá nhất Bắc Kinh. Con gái ông được phép chọn lựa đường đi cho riêng mình, "nhưng nhất định không được làm việc trong ngành thép", ông khẳng định.
Theo Hà Tường
VnExpress