Kể từ khi các bất đồng về mặt chính sách được giải quyết trong cuộc họp tháng 07/2021, các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh OPEC+ luôn duy trì chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày sau mỗi tháng. Vậy kết quả cuộc họp ngày mai liệu có tạo ra bất ngờ nào cho thị trường?
OPEC+ có nhiều động lực duy trì chính sách cũ
Trong suốt 9 tháng tính từ khi OPEC+ thống nhất được chính sách sản lượng, mặc dù thị trường dầu đã xảy ra nhiều biến động, với giá dầu Brent có khi giảm sâu xuống mức 65 USD/thùng, có khi tăng mạnh lên sát mốc 140 USD/thùng, tuy nhiên nhóm vẫn kiên trì với con số gia tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày. Cuộc họp tháng 3 thậm chí còn kết thúc nhanh chóng chỉ trong vòng chưa đến 20 phút khi không có thành viên nào đề xuất thay đổi.
Đóng cửa ngày hôm qua 29/03, giá dầu WTI giảm xuống 104,2 USD/thùng, dầu Brent giảm xuống mức 107,7 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (chỉ số đo lường sự biến động của giá các mặt hàng như dầu thô, khí tự nhiên) giảm 2,3% xuống 4.789 điểm theo đà chung của giá dầu. Dòng tiền giao dịch của cả nhóm duy trì ở mức cao gần 2.283 tỷ đồng.
Bất chấp thị trường được kỳ vọng sẽ thiếu hụt khoảng 2-3 triệu thùng/ngày trong quý II năm nay, và OPEC+ có thể xem là lực lượng duy nhất có năng lực sản xuất dự trữ đủ lớn để bù đắp phần nào lượng thiếu hụt này, tuy nhiên nhóm không vội vã nâng lượng dầu bán ra. Một trong những động lực lớn đó chính là khoản lợi nhuận lớn mà các quốc gia này thu được khi giá tăng cao.
Lấy ví dụ, Saudi Arabia, một trong hai nước có sản lượng lớn nhất trong nhóm ở mức 11 triệu thùng/ngày, chi phí sản xuất dầu của nước này ước tính chỉ rơi vào khoảng 10 USD/thùng. Trong khoảng thời gian dài kể từ 2014 – 2021, ngân sách của Saudi Arabia liên tục rơi vào tình trạng thâm hụt. Được hưởng lợi từ môi trường giá dầu cao, quốc gia Trung Đông này dự kiến ngân sách năm 2022 sẽ chuyển sang trạng thái thặng dư lần đầu tiên sau 8 năm.
Một lý do nữa đó chính là OPEC+ luôn ưu tiên sự đồng thuận trong nhóm. Hiện tại, một số thành viên như Nga, được cho là ủng hộ chính sách tăng sản lượng hiện tại.
Trong trường hợp cuộc họp thứ Năm tuần này không có gì bất ngờ, nhóm sẽ tăng sản lượng ở mức 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 05/2022. Như vậy, con số này không thể bù đắp cho lượng dầu đang thiếu trên thị trường. Theo dữ liệu của Bloomberg, lượng dầu xuất khẩu trong tuần 17/03 – 23/03 của Nga rơi vào khoảng 3,63 triệu thùng/ngày, thấp hơn 26% so với tuần trước. Xu hướng này có thể duy trì trong ít nhất vài tháng tới.
Năng lực sản xuất thực tế của OPEC+ có thể không cao như kỳ vọng
Bất chấp mức tăng khoảng 400.000 thùng/ngày trong mỗi tháng không phải là nhiều, nhưng các cường quốc về dầu cũng gặp nhiều khó khăn để đạt được hạn ngạch này. Theo ước tính mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, trong tháng 02/2022, sản lượng dầu thực tế của OPEC+ thấp hơn hạn ngạch đề ra khoảng 1,05 triệu thùng/ngày.
Hiện tại, ngoại trừ 2 quốc gia trong nhóm là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất được cho là có năng lực sản xuất cao, các thành viên khác, đặc biệt các quốc gia tại Bắc Phi như Nigeria và Angola thường xuyên gặp khó khăn ngay cả với việc duy trì sản lượng hàng tháng. Do các bất ổn trong nước, các nước này thường xuyên đối mặt với tình trạng gián đoạn trong sản xuất, vận chuyển, và khó có thể tận dụng cơ hội tối đa hóa nguồn thu bất chấp môi trường giá dầu cao.
Như vậy, giả sử nhóm thông báo thay đổi chính sách, và tăng sản lượng thêm 600.000 - 800.000 thùng/ngày như các nước tiêu thụ dầu lớn thường xuyên kêu gọi, sản lượng thực tế của OPEC+ cũng sẽ khó đạt được mức này. Nhất là khi thành viên quan trọng là Nga được cho là sẽ còn phải giảm sản lượng, dưới tác động các lệnh cấm vận của Mỹ.
Hồng Hoa
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)