Giá đậu tương có khả năng sẽ được hỗ trợ sau cuộc khảo sát mùa vụ tại Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương vẫn đang giằng co quanh vùng giá tâm lí 1400. Từ đầu tháng 8 đến nay, đậu tương vẫn biến động trong xu hướng đi ngang, chủ yếu do những nghi ngờ của thị trường về mùa vụ tại Mỹ năm nay. Diễn biến đóng cửa với các nến Inside Bar trong vài phiên vừa qua càng củng cố cho tâm lí giằng co giữa bên bán và bên mua.
Trong tuần này, sự chú ý của thị trường vẫn tiếp tục dồn về triển vọng năng suất đậu tương Mỹ khi cuộc khảo sát mùa vụ Midwest hàng năm – Crop Tour 2022 do Tạp chí danh tiếng Pro Farmer Journal tổ chức sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 22 – 25/08. Đây sẽ là cơ sở thực tế để thị trường xác định mức độ thiệt hại của giai đoạn nắng nóng vừa qua lên cây trồng. Hiện tại, USDA vẫn đang có nhận định khá lạc quan về mùa vụ đậu tương năm nay với ước tính năng suất thậm chí còn được điều chỉnh tăng lên mức 51.9 giạ/mẫu trong báo cáo WASDE tháng 8, hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng giảm của thị trường. Một số tổ chức và nhà phân tích khác đã đưa ra quan điểm về vụ đậu tương của Mỹ và các ước tính hầu hết đều ở dưới mức 51 giạ/mẫu. Các số liệu Crop Tour hàng năm thường đưa ra kết quả khá tương đồng với số liệu ước tính cuối cùng của USDA nên nếu như những thiệt hại thực tế được ghi nhận trong các mẫu khảo sát thì sẽ dẫn tới khả năng USDA sẽ điều chỉnh lại dự báo năng suất đậu tương Mỹ trong báo cáo WASDE sắp tới.
Nếu so sánh đánh giá chất lượng đậu tương niên vụ 22/23 so với cùng kì năm ngoái thì đây sẽ là cơ sở hợp lí cho nhận định mức năng suất năm nay sẽ khó co thể đạt 51.4 giạ/mẫu như niên vụ trước nếu như thời tiết sắp tới vẫn không có cải thiện đáng kể. Chính vì thế nên giá đậu tương nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục biến động giằng co và được hỗ trợ ở vùng đáy 1375 trước đó.

Giá bông khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay khi các thông tin cơ bản diễn biến trái chiều
Kết thúc tuần giao dịch 15/08 – 21/08, bông và đường diễn biến trái chiều. Bông tạo gap up tuần sau hơn 5 năm khi sản lượng bông toàn cầu được dự báo giảm mạnh do yếu tố thời tiết diễn biến tiêu cực đối với sự phát triển của bông tại các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đường suy yếu khi giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp được điều chỉnh giảm tại Brazil đã thúc đẩy nguồn cung nới lỏng.
Ba quốc gia xuất khẩu bông hàng đầu thế giới lần lượt là Mỹ, Brazil và Ấn Độ đều đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến xấu của thời tiết đối với các cánh đồng bông niên vụ 22/23. Trong đó, sản lượng cũng như xuất khẩu bông niên vụ 22/23 tại Mỹ được dự báo đạt mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, do khô nóng diễn ra trong thời gian dài. Khô hạn cũng là nhân tố khiến Brazil cắt giảm 30% sản lượng bông niên vụ này. Cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi thời tiết là Ấn Độ khi mưa lớn kéo dài đã khiến quốc gia này từ nước có sản lượng lớn thứ 2 thế giới và xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới sẽ phải chịu cảnh nhập khẩu.
Dự báo thời tiết trong tuần này, mưa bắt đầu xuất hiện với tần xuất nhiều hơn tại vùng Texas, khu vực trồng bông chính và cũng là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ khô nóng thời gian qua. Thông tin này dự kiến sẽ khiến chất lượng mùa vụ tại đây được cải thiện đáng kể, phần nào hạn chế sản lượng bị sụt giảm khi giai đoạn thu hoạch đang đến gần.
Tại Brazil thời tiết khô hạn duy trì với độ ẩm tối đa chỉ quanh mức 30%, đây cũng không phải là thông tin quá xấu khi tại quốc gia này bông đang ở giai đoạn đầu của thu hoạch nên thời tiết khô ráo cũng không cản trở đến tiến độ thu hoạch. Trong khi đó, Ấn Độ được dự báo sẽ có sự chuyển biến tích cực lên khi tần suất ngày có mưa cũng giảm dần và kỳ vọng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đế việc thu hoạch diễn ra trong tháng 09 tới.

Giá đồng có thể sẽ đi ngang trong tuần này trước những thông tin mang tính trái chiều
Vào sáng nay, các Ngân hàng Trung Quốc đã tiến hành cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) 1 năm 5 điểm cơ bản từ mức 3.7% xuống 3.65% sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) 1 năm vào đầu tuần trước. Động thái này nhằm kích thích nền kinh tế đang suy yếu bởi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng. Giá đồng đã bật tăng ngay sau khi tin tức này được công bố, tuy nhiên, lực bán tiếp tục quay trở lại khi nhiều đánh giá cho rằng nhu cầu tiêu thụ đồng vẫn sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn.
Thực tế, mức cắt giảm lãi suất LPR 5 điểm cơ bản là tương đối khiêm tốn, trong khi lần cắt giảm LPR gần nhất trước đó là từ hồi tháng Giêng. Lãi suất LPR 5 năm, được sử dụng làm tham chiếu cho các khoản vay thế chấp tiếp tục có lần cắt giảm thứ 3 trong năm nay. Tuy nhiên, 2 lần hạ lãi suất LPR trước đó cũng chưa cho thấy sự hiệu quả đáng kể trong việc hỗ trợ cho ngành bất động sản đang gặp nhiều thách thức. Doanh số bán nhà vẫn tăng trưởng âm 11 tháng liên tiếp và do vậy, lần cắt giảm này nhiều khả năng sẽ khó đem lại đòn bẩy tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu về đồng cho lĩnh vực xây dựng, chiếm khoảng 22% cơ cấu tại quốc gia này, vẫn sẽ gặp áp lực trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, Chính phủ Trung Quốc liên tục cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng việc phát hành nợ và cung cấp các khoản cho vay đặc biệt. Điều này ít nhiều cũng sẽ tác động tích cực hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc so với các tháng trước và giá đồng sẽ khó có thể giảm quá sâu.
Về mặt vĩ mô, các dữ liệu kinh tế trọng tâm như dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE, thước đo lạm phát yêu thích của FED và những phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell tại Hội nghị kinh tế Ngân hàng Trung ương toàn cầu sẽ tập trung vào cuối tuần. Do đó, trước sự không chắc chắn về bước đi tiếp theo của FED, nhiều khả năng xu hướng nắm giữ đồng Dollar Mỹ có tính trú ẩn vẫn sẽ được thúc đẩy và điều này tạo ra áp lực lên giá đồng. Tuy nhiên, với dự đoán PCE tháng 7 sẽ hạ nhiệt, nhiều khả năng giá đồng sẽ phục hồi vào cuối tuần.

Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong phiên hôm nay bất chấp chính sách hỗ trợ của Trung Quốc
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên giao dịch sáng nay, bất chấp các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc.
Trong sáng nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBOC đã cắt giảm 5 điểm phần trăm cho lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm và 15 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm. Các vấn đề về thị trường bất động sản đã khiến cho Trung Quốc trở thành một trong các quốc gia hiếm hoi đi ngược lại xu thế thắt chặt tín dụng trên thế giới. Đặc biệt là khi Chính phủ nước này vẫn chưa từ bỏ mục tiêu đạt tăng trương GDP trong năm 2022 ở mức 5.5%.
Việc cắt giảm lãi suất dài hạn ở mức sâu hơn phần nào cho thấy mỗi lo của Trung Quốc đối với vấn đề tăng trưởng dài hạn. Các hộ gia đình tại đây đang gia tăng tiết kiệm và hạn chế các khoản chi lớn, trong khi ngân hàng vẫn đang dư thừa tín dụng. Do đó, vẫn đề thực tế sẽ chỉ được giải nội địa tăng chi và tăng các khoản đầu tư, tuy nhiên điều này lại gặp phải “nút thắt” lớn là chính sách Zero Covid đang kìm hãm các hoạt động kinh tế, sản xuất. Chỉ chính sách tiền tệ sẽ không đủ để giải quyết vấn đề của Trung Quốc hiện tại. Điều này lý giải tại sao giá không tăng trong phiên giao dịch sáng nay bất chấp lãi suất giảm sâu hơn dự kiến.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV