Với việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn gạo XK vào EU với thuế suất 0%. Con số đó so với 2,5 triệu tấn gạo NK của EU khá khiêm tốn, song DN cần tận dụng tốt cơ hội để tạo đà, từng bước chinh phục thị trường tiềm năng này trong tương lai.

xuat khau gao vao eu o cua nho cung phai tan dung tot

Gạo Việt còn nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: N.Thanh
Dư địa thị trường rộng mở
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, hiện nay, lượng gạo XK của Việt Nam sang EU còn đang ở mức thấp. Năm 2019, con số XK đạt khoảng 20.000 tấn, trị giá đạt 10,7 triệu USD. Trong khi đó, mức tiêu thụ gạo trung bình của EU là khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Nguyên nhân là bởi Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên rất khó cạnh tranh được với gạo của các nước khác như Thái Lan, Hoa Kỳ, Australia được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan lớn; đồng thời các nước kém phát triển như Lào, Campuchia, Myanma được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm, khối lượng và trị giá XK gạo đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong nửa đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với 36,9% thị phần. XK gạo sang thị trường này đạt 1,4 triệu tấn và 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng tới 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với Philippines, các thị trường XK gạo có trị giá tăng mạnh nhất là: Senegal (gấp 19,6 lần đạt 41,1 nghìn tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần đạt 45,2 nghìn tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9% đạt 457,6 nghìn tấn). Ngược lại, thị trường có trị giá XK gạo giảm mạnh nhất là Iraq (giảm 47,6%). Giá gạo XK bình quân nửa đầu năm đạt 487,6 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Về nguyên tắc, Việt Nam vẫn có thể XK gạo sang EU, nhưng do thuế suất NK gạo vào EU cao nên sẽ không cạnh tranh. Cụ thể, mức thuế suất NK với thóc là 211 EUR/tấn, gạo lứt là 65 EUR/tấn, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ là 175 EUR/kg, gạo tấm là 65EUR/kg.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, Hiệp định EVFTA mở ra một "ô cửa" nhỏ, khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan. Việt Nam không phân bổ hạn ngạch trên mà EU phân bổ cho các DN NK bên phía họ. Do vậy, DN XK gạo Việt Nam cần tìm, liên hệ DN EU nào được NK gạo có hạn ngạch để giao dịch, chào bán.
Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh thêm: "Riêng với gạo thơm, Hiệp định EVFTA yêu cầu phải có thêm xác nhận của chính quyền Việt Nam (đây là điều Việt Nam không mong muốn). Điều này làm phát sinh thêm một thủ tục hành chính, mà đã thủ tục hành chính thì phải quy định ở mức Nghị định. Do vậy, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định này".
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, EVFTA là một hiệp định thương mại tự do rất quan trọng, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản, trong đó có lúa gạo. Trong 80.000 tấn gạo Việt Nam được phía EU cấp hạn ngạch thuế quan hàng năm, chỉ có 30.000 tấn gạo thơm. Đây là số lượng nhỏ, nhưng nếu Việt Nam tận dụng tốt thì sẽ tạo cơ hội lớn hơn nhiều cho XK gạo vào EU trong những năm sau này.
Đảm bảo sự thông thoáng cho doanh nghiệp
Dự thảo Nghị định Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm XK sang EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch đang được Bộ NN&PTNT xây dựng, hoàn thiện nêu rõ: gạo được sản xuất từ giống lúa có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng lúa (tỉnh/thành phố, quận/huyện/thị xã, phường/xã, tổ/thôn). Trong vòng 20 ngày trước khi thu hoạch, tổ chức, cá nhân XK gạo thơm gửi thông báo tới Tổ chức kiểm tra để được kiểm tra đồng ruộng 1 lần theo mẫu quy định...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, dự thảo Nghị định đã được Bộ NN&PTNT xây dựng theo tinh thần thực hiện đúng quy định trong EVFTA, nhưng vẫn đảm bảo được sự thông thoáng cho các DN XK gạo vào EU. Nội dung chính là làm sao để gạo thơm Việt Nam XK sang EU theo hạn ngạch thuế quan phải đảm bảo được 2 yếu tố là đúng loại gạo được phép XK vào EU và được sản xuất tại Việt Nam.
Ở góc độ DN, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo Nghị định, đặc biệt là quy định độ thuần của giống phải đạt tối thiểu 95%. "Quy định độ thuần tối thiểu 95% là hợp lý, không nên hạ tiêu chuẩn độ thuần xuống 90% như đề nghị của một số DN. Đó là bởi, với độ thuần 90%, tuy vẫn là gạo thơm nhưng độ lẫn quá cao, dễ khiến cho EU đánh giá thấp về năng lực sản xuất lúa ở Việt Nam", ông Bình nói.
Xung quanh nội dung dự thảo Nghị định, một số DN đề nghị không nên quy định về diện tích vùng nguyên liệu trong Nghị định; đơn đề nghị chứng nhận, chứng nhận lại chủng loại gạo thơm không nên quy định quốc gia đến tại EU (nước NK), nhằm tạo điều kiện cho DN có hợp đồng XK sang EU có thể mua được lúa thơm đúng chủng loại, được sản xuất tại Việt Nam từ DN khác chưa có hợp đồng…
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã yêu cầu Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT sớm chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định và gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định, để dự thảo có thể được trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Haiquanonline