Đây là nội dung được đưa ra tại chương trình Tập huấn nâng cao kỹ năng Xúc tiến thương mại ngành hàng thực phẩm và đồ uống sang thị trường Mỹ, do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/4 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều tiềm năng
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, ngành xuất khẩu đồ uống và thực phẩm của Việt Nam nói riêng và các thực phẩm nông sản, thực phẩm chế biến nói chung là một ngành có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và cũng có uy tín trên thị trường thế giới. Hiện các mặt hàng nông sản chế biến đông lạnh, ngâm giấm, mật ong, café… cũng một số sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam đã xuất khẩu vào Mỹ khá tốt.
Hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của các loại thực phẩm và nông sản Mỹ, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại nông nghiệp song phương đã tăng hơn gấp đôi, từ 4 tỷ USD trong năm 2011 lên 9 tỷ USD trong năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trong việc gia tăng năng lực sản xuất trong nước, các sản phẩm Việt Nam cũng gặp phải những yêu cầu kỹ thuật khắt khe của Mỹ, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như qui trình, thủ tục vào thị trường này.
Ông Trần Trọng Hải – đại diện Công ty TNHH Consulting HCM chia sẻ, vấn đề mà các sản phẩm thực phẩm, đồ uống của Việt Nam thường gặp phải khi tiếp cận thị trường Mỹ là các tiêu chuẩn về dư lượng. Thị trường Mỹ luôn có yêu cầu rất cao về ISO. Điển hình như cùng một thùng trái cây tại Mỹ thì các sản phẩm này phải đồng nhất về kích cỡ, màu sắc và trọng lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tại mỗi bang sẽ có một tiêu chuẩn riêng mà doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm hiểu kỹ.
Cũng theo ông Trần Trọng Hải, với hầu hết mặt hàng khi xuất khẩu vào Mỹ đều phải đáp ứng đầy đủ những quy định của FDA - Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ. Đồng thời tuân thủ những quy định ghi nhãn mới và Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của FDA.
Đa dạng kênh xuất khẩu
Ông Nguyễn Thiên Phúc – Giám đốc Kinh doanh và vận hành Công ty Innovative Hub Việt Nam đánh giá, thị trường thương mại điện tử thực phẩm và đồ uống đang ở giai đoạn đầu với tốc độ phát triển nhanh chóng. Năm 2021, thị trường Mỹ đạt 339,7 tỉ USD và dự kiến sẽ đạt 468,3 tỉ USD vào năm 2025.
Tại thị trường Mỹ, tỉ trọng tăng trưởng thị trường cho ngành hàng bách hóa thực phẩm trực tuyến đã tăng 12.5% trong năm 2021 và dự kiến sẽ bùng nổ tốc độ tăng trưởng tới 21.5% vào năm 2025 tại thị trường Mỹ. Doanh số bán ngành hàng bách hóa thực phẩm tại thị trường này dừng ở mức 34,42 tỉ USD vào năm 2020 và dự báo sẽ đạt 59.5 tỉ USD vào năm 2023.
Các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng quốc tế, gia tăng xuất khẩu và phát triển thương hiệu toàn cầu thông qua việc tận dụng tốt cách thức bán hàng trực tuyến.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, bà Bùi Thị Thanh An cho biết, bên cạnh các hoạt động giao thương online, trong thời gian tới Cục Xúc tiến thương mại sẽ triển khai trở lại các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp với thị trường Mỹ. Đặc biệt là tham dự hội chợ triển lãm quốc tế về thực phẩm - Private Label Show (PLMA).
“Với những hoạt động hỗ trợ năng lực doanh nghiệp, kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường liên tục trong thời gian vừa qua và tiếp tục nối lại các hoạt động xúc tiến truyền thống thì chúng tôi hi vọng rằng ngành thực phẩm, đồ uống của chúng ta vào thị trường Mỹ nó sẽ gia tăng trong thời gian sắp tới, đặc biệt là với một trường với 332 triệu dân là Mỹ”, bà Bùi Thị Thanh An nhấn mạnh.

Nguồn: Congthuong.vn