Về đầu tư, tính đến tháng 02/2024, New Zealand có 53 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,4 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Về thương mại, hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand (xếp thứ 13 về xuất khẩu và xếp thứ 17 về nhập khẩu); trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại thứ 38 của Việt Nam (xếp thứ 51 về xuất khẩu và xếp thứ 58 về nhập khẩu). New Zealand được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận bởi phần lớn các mặt hàng New Zealand nhập khẩu đều là những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng. Kể từ sau khi hai nước cùng tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, các rào cản về thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ. Điều này góp phần tạo ra một lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh mạnh mẽ với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand.
Nền kinh tế New Zealand hoạt động chủ yếu theo cơ chế kinh tế thị trường, thị trường nội địa có dung lượng nhỏ nên quốc gia này phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài, hoạt động kinh tế trong nước dựa vào xuất khẩu nông nghiệp và làm vườn, trong đó có khoảng 85 - 90% sản lượng sữa, thịt, trái cây và rau của New Zealand được xuất khẩu.

Nhóm 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của
New Zealand trong năm 2023
                                                                              ĐVT: phần trăm

Nguồn: Trademap

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – New Zealand tăng đều qua các năm, đặc biệt là từ sau khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác toàn diện; hai bên cũng mong muốn sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong thời gian gần nhất. Các doanh nghiệp New Zealand rất quan tâm đến quá trình phát triển vượt bậc của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua, đồng thời nhận thấy có nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và có nhiều dự án đã thành công tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - New Zealand đạt 1,329 tỷ USD, giảm 5,94% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 648,88 triệu USD, giảm 7,14% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 680,56 triệu USD, giảm 4,76%.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – New Zealand trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD


Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo Trading Economics, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của New Zealand đã giảm 0,1% so với quý III/2023, đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp suy giảm trong năm 2023. Trong quý IV/2023, tỷ lệ lạm phát của New Zealand ở mức 4,7%, giảm từ 5,6% trong quý III và đây cũng là con số thấp nhất kể từ quý II/2021. Trong năm 2023, nền kinh tế New Zealand chính thức rơi vào suy thoái khi chứng kiến GDP trong các quý liên tiếp suy giảm, lạm phát tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục; bên cạnh đó, nền kinh tế New Zealand cũng chịu ảnh hưởng đáng kể từ các đợt thiên tai lũ lụt. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây trở ngại đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai quốc gia trong năm 2023, bên cạnh những biến động của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang New Zealand trong giai đoạn 2013 – 2023
(ĐVT: Triệu USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand có thể kể đến như máy móc, thiết bị cơ khí; xe cộ; thiết bị điện tử, phụ tùng; hàng dệt may; giày dép; dược phẩm; hàng thủy sản … Do không có thế mạnh về các ngành nghề chế tạo nên New Zealand phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng về máy móc và thiết bị. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ New Zealand như sữa và các sản phẩm từ sữa, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các loại trái cây và hạt (như kiwi, cherry, táo…), hải sản (cá ngừ, vẹm xanh), đây đều là những mặt hàng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng và tin dùng.
Trong những năm qua, một số doanh nghiệp của Việt Nam như Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood), Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce (WinCommerce), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) … đã có nhiều hoạt động hợp tác, đầu tư, phân phối các sản phẩm từ sữa hoặc nông sản đến từ New Zealand với mức tiêu thụ và lợi nhuận khả quan, nhờ đó người tiêu dùng trong nước có cơ hội được sử dụng các sản phẩm chất lượng của quốc gia này. New Zealand được biết đến là quốc gia đầu tiên trên hành trình vươn tầm thế giới của Vinamilk, thông qua thương vụ này Vinamilk đã khai thác tối đa lợi ích từ nguồn nguyên liệu sữa tươi dồi dào và chất lượng cao của New Zealand.

Biểu đồ 4: Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường New Zealand trong tháng 02/2024 và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023
           (ĐVT: Nghìn USD)


          Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 02/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang New Zealand đạt 47,872 triệu USD, giảm 7,42% so với cùng kỳ năm 2023; tính riêng hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng so với 2 tháng đầu năm 2023 là 8,11%, đạt 119.591 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 38,71%); Hàng dệt, may (chiếm tỷ trọng 9,17%) và Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 9,07%).
Đối với thị trường New Zealand, các ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo của nước này không phát triển mạnh do xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện tử, thiết bị như điện thoại, máy tính được sản xuất lớn tại các thị trường khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản ... vì vậy nước này lựa chọn chuyển hướng sang nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, đồ nội thất, hàng điện tử tiêu dùng của New Zealand cũng khá lớn, đây chính là cơ hội cho các nhà cung cấp Việt Nam tăng xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường New Zealand.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang New Zealand trong tháng 02/2024
                                                                    (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

 Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 02/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ New Zealand đạt 27,86 triệu USD, giảm mạnh 59,26% so với cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức giảm đáng kể là 45,52% so với 2 tháng đầu năm 2023, đạt 69,22 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Sữa và sản phẩm từ sữa (chiếm tỷ trọng 59,05%); Hàng rau quả (chiếm tỷ trọng 8,65%) và Gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm tỷ trọng 6,97%).

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ New Zealand trong tháng 02/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường New Zealand luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Trong năm 2023, New Zealand hỗ trợ hàng loạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt tập trung vào nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. Quỹ “Asia New Zealand Foundation” của New Zealand - cơ quan phi lợi nhuận, phi đảng phái của New Zealand phụ trách vấn đề quan hệ giữa New Zealand và Châu Á đã có hai chuyến thăm Việt Nam, trong đó có một chuyến thăm nhằm hỗ trợ Sáng kiến Lãnh đạo Doanh nghiệp Trẻ ASEAN (YBLI) của Chính phủ New Zealand, sáng kiến là một phần quan trọng trong chiến lược ASEAN của Chính phủ New Zealand, nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại và xây dựng kết nối giữa các lãnh đạo doanh nghiệp và doanh nhân ở New Zealand và Đông Nam Á – bao gồm cả Việt Nam. Thông qua hoạt động của Quỹ “Asia New Zealand Foundation”, New Zealand đã và đang hỗ trợ một số doanh nhân trẻ xuất sắc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, New Zealand cũng thường xuyên hỗ trợ ngành trồng trọt của Việt Nam thông qua các dự án phát triển trái cây cao cấp ở Việt Nam. Vào tháng 7/2023, tại Auckland, New Zealand, bên lề hội nghị Bộ trưởng CPTPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Damien O'Connor - Bộ trưởng Thương mại, Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand, tại buổi làm việc hai bên đã cùng chia sẻ về những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới đang tác động tới quan hệ thương mại song phương Việt Nam - New Zealand, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác, khai thác tối đa các lợi thế và cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng quan hệ thương mại Việt Nam - New Zealand trong thời gian tới.
Ngày 11/3/2024, tại Thủ đô Wellington, New Zealand, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và ông Todd McClay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại New Zealand đã ký kết Bản thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước. Thỏa thuận được ký kết nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính thăm chính thức New Zealand, theo đó hai bên sẽ tích cực tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm; thúc đẩy trao đổi thương mại song phương bao gồm các hoạt động mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, hợp tác phòng vệ phương mại; hợp tác chặt chẽ và tận dụng tối đa những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các khuôn khổ hợp tác đa phương mà hai nước là thành viên … Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước, Việt Nam và New Zealand cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong tháng 3/2024, Tổng Lãnh sự quán New Zealand đã tổ chức sự kiện "Hội tụ tinh hoa trong kỷ nguyên kinh tế số" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối sữa hươu Pamu và sữa cừu Spring sheep New Zealand đến người tiêu dùng Việt Nam thông qua nền tảng TikTok. New Zealand là một đất nước có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp với đặc trưng tươi ngon và nhiều chất dinh dưỡng phát triển trên cơ sở nền nông nghiệp thông minh, vì vậy việc đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp dựa trên chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand. Việc hai bên là thành viên của một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó có các cam kết về thương mại điện tử cũng góp phần giúp hai quốc gia hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Để khai thác tiềm năng và tạo thuận lợi trong hợp tác thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam và New Zealand là thành viên nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế và xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể trong việc tiếp cận thị trường, tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn của thị trường này với sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Nguồn: VITIC tổng hợp