Ban lãnh đạo công ty nhận thức SXSH là một giải pháp tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu dòng thải, biến chất thải thành lợi nhuận. 

 

Lãnh đạo công ty xác định duy trì việc thực hiện SXSH trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, công ty cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện SXSH với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhằm nhân rộng mô hình để đạt được mục tiêu mà Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra.

Tham gia dự án trình diễn SXSH do Hợp phần SXSH trong công nghiệp tổ chức, từ tháng 6/2009, công ty đã thành lập đội SXSH với 10 thành viên. Công ty đã đầu tư khoảng 825 triệu đồng cho các giải pháp SXSH giai đoạn I: Nhóm giải pháp giảm lượng đường còn lại trong bã mía của công đoạn ép nhằm tăng hiệu suất ép, tăng tổng lượng đường thu hồi bằng cách thay mới 3 bộ lưỡi dao chặt, đấp chống mài mòn 2 bộ đe dao chặt; hàn nhám 11 trục cũ, thay hệ thống lược, 4 trụ ép mới; kiểm tra độ mòn của dao băm, đấp bù các chỗ bị mòn; điều chỉnh khe hở miệng ép cho phù hợp với năng suất ép...

Kết quả thu được sau khi áp dụng SXSH, vào đầu vụ 2009-2010 đường trong bã mía đã giảm còn 0,24%, hiệu suất ép tăng 0,59% so đầu vụ 2008-2009; đồng thời, công ty tiến hành thu gom, tuần hoàn nước giải nhiệt máy ép, tái sử dụng giải nhiệt một phần và một phần dùng cho thẩm thấu. Với giải pháp này, đã giảm được 480m3/ngày nước sử dụng, tương đương giảm 8,3% lượng nước sạch sử dụng hàng ngày; công ty đã lắp thêm đường ống mới cho nước mía lọc quay về cân hỗn hợp không ảnh hưởng đến nhiệt độ bể lắng, thu được nhiều nước mía lắng trong hơn, giảm lượng bùn phải đem đi lọc, giảm đường thất thoát qua bã bùn. Phối liệu lại nguyên liệu đưa vào nấu đường và kiểm soát thời gian trợ tinh để tăng hiệu quả kết tinh của quá trình nấu đường; sử dụng phương pháp nấu tẩy căn lò hơi để tăng hiệu suất đốt lò.

Ngoài ra, công ty còn áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện, nước như: Thay thế 100 đèn chiếu sáng loại 200W bằng đèn tiết kiệm điện, bước đầu tiết kiệm được 250kWh/ngày; kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị trên dây chuyền sản xuất, tránh nguy cơ dừng sản xuất đột ngột; đo kiểm lượng nước sử dụng, thay các van hư hỏng để giảm lượng nước sử dụng, tiêu tốn không cần thiết; tăng cường giáo dục ý thức trong người lao động về việc sử dụng điện, nước, vệ sinh nhà xưởng, bảo vệ môi trường. Các giải pháp trên giúp giảm 30% lượng nước sử dụng, 5% lượng điện sử dụng.

Trong giai đoạn II của chương trình, công ty dự kiến triển khai thêm 4 giải pháp cụ thể: Thay lọc bùn bằng vải lọc lưới inox để giảm kích thước hạt của bùn (ước tính giảm 0,5% so với hiện tại), giảm nước thải khoảng 300m3/ngày từ khâu giặt vải, tăng thu hồi 0,63% lượng đường thất thoát qua nước giặt vải tương đương 130 tấn đường/năm; lắp đặt thêm hệ thống biến tần tự động điều khiển máy ép để tự động điều chỉnh tốc độ ép phù hợp với lượng mía đưa vào, nhằm tăng hiệu suất khoảng 0,3%, góp phần tăng thu hồi đường khoảng 163 tấn/năm; thay máy ly tâm đường thành phẩm vận hành thủ công hiện tại bằng máy ly tâm tự động để tăng hiệu suất ly tâm khoảng 1%, tương đương tăng lượng đường thu hồi khoảng 100 tấn/năm; cải tạo hệ thống xử thải để chất lượng nước thải vào môi trường đạt tiêu chuẩn loại A theo quy định. Tổng giá trị đầu tư cho 4 giải pháp ước tính khoảng 9 tỉ đồng, dự kiến lợi nhuận mang lại khoảng 3,5 tỉ đồng/năm từ việc thu hồi đường, tiết kiệm điện, nước...

Nguồn: Phòng Thông tin Công nghiệp/Vitic-Báo điện tử Công thương