Ông Kuroda cũng tỏ ra không mấy quan tâm đến những lời chỉ trích của một số học giả rặng mục tiêu lạm phát 2% của ông là quá tham vọng đối với một đất nước từ lâu đã sa lầy trong tình trạng giảm phát, và cho rằng BOJ không có đủ dư địa chính sách để chống lại những cú sốc trong tương lai cho nền kinh tế chỉ bằng cách đẩy nhanh tốc độ tăng lạm phát mục để đạt được mục tiêu mà BOJ đề ra.
Trong một bài phát biểu trước giới kinh doanh Keidanren, Kuroda cung cấp một cái nhìn lạc quan về nền kinh tế toàn cầu, nói rằng kinh tế toàn cầu đã thoát khỏi tình trạng ảm đạm khi sản xuất và thương mại phục hồi.
“Nền kinh tế toàn cầu dường như đã bước vào một giai đoạn mới, bỏ lại những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lại phía sau, cho dù vẫn chưa chắc chắn về tương lai phía trước”, ông nói.
Nói về khung chính sách mới của BOJ nhằm kiểm soát lãi suất dài hạn, Kuroda cho biết nó sẽ giúp tối đa hóa lợi ích của kinh tế của Nhật Bản. “Bằng cách thực hiện khung chính sách này một cách phù hợp, BOJ có thể tận dụng lợi thế của đà phục hồi kinh tế toàn cầu để tạo ra một động lực lớn hơn cho nền kinh tế Nhật Bản”, ông nói.
Phát biểu của ông Kuroda nhấn mạnh sự lạc quan ngày càng lớn của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của BOJ và củng cố kỳ vọng của thị trường BOJ sẽ không mở rộng kích thích tiền tệ trong những tháng tới.
Còn nhớ, hồi tháng 9 vừa qua, BOJ đã chuyển hướng mục tiêu chính sách sang kiểm soát lãi suất sau khi chính sách bơm tiền vào nền kinh tế dù đã triển khai trong hơn 3 năm, nhưng vẫn thất bại trong việc thúc đẩy lạm phát đạt được muc tiêu đề ra. Theo đó, BOJ chuyển sang kiểm soát lại suất ngắn hạn tại mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm xung quanh 0%.
Thế nhưng quyết tâm của BOJ trong việc kiểm soát lợi suất trái phiếu đã gặp phải thử thách lớn khi lãi suất dài hạn của Nhật Bản đã tăng song song với lợi suất trái phiếu toàn cầu do các chính sách theo đuổi lạm phát của tân Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump. Điều này tiếp theo đó lại dẫn đến kỳ vọng của thị trường kỳ rằng BOJ có thể tăng mục tiêu lợi suất vào đầu năm tới.
Tuy nhiên việc làm này có thể vấp phải sự phản đối từ những người ủng hộ việc nới lỏng tích cực trong hội đồng quản trị chín thành viên của BOJ.
Hiện BOJ vẫn giữ quan điểm duy trì chính sách tiền tệ rất lỏng khi nó sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ để cân bằng lượng nắm giữ tăng với tốc độ hàng năm là 80 nghìn tỷ yên (tương đương 682 tỷ USD). Điều đó có khả năng nhằm xoa dịu các thành viên hội đồng quản trị, những người cho rằng việc bơm tiền sẽ giúp nâng cao kỳ vọng lạm phát.
Tại phiên họp chính sách ngày 1/11, nhiều nhà hoạch định chính sách của BOJ đã không đồng ý về việc BOJ đặt mục tiêu về khối lượng mua vào trái phiếu trong khuôn khổ chính sách mới với mục tiêu kiểm soát lãi suất, biên bản cuộc họp được công bố hôm nay cho thấy.
Một thành viên hội đồng quản trị cho biết, có thể loại bỏ hướng dẫn về lượng mua trái phiếu khi BOJ có khả năng đạt được mục tiêu lợi suất của mình với lượng mua ít hơn. Quan điểm đó khá tương đồng với phát biểu của ông Kuroda khi ông nói rằng BOJ có thể làm chậm lại quá trình mua trái phiếu của mình nếu nó vẫn có thể đáp ứng mục tiêu lợi suất trong khi lượng mua trái phiếu ít hơn.

Nhưng một số thành viên hội đồng quản trị khẳng định BOJ cần tiếp tục đưa ra các hướng dẫn vì xóa nó có thể gửi “một tín hiệu sai cho thị trường”, biên bản cuộc họp cho thấy.

Nguồn: thoibaonganhang.vn