Tự vệ là một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại (hai biện pháp khác là chống bán phá giá và chống trợ cấp) được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có sự gia tăng của hàng nhập khẩu và sự gia tăng đó đã và đang gây ra (hoặc có thể gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.
Việc điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã được Bộ Công Thương thực hiện đúng theo quy định tại Hiệp định về Tự vệ của WTO và Pháp lệnh số 42/2002 ngày 25 tháng 5 năm 2002 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (Pháp lệnh Tự vệ).
Diễn biến vụ việc
Ngày 12 tháng 5 năm 2017, căn cứ Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất trong nước, quy định của WTO và Pháp lệnh Tự vệ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT khởi xướng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.
DAP và MAP là loại phân bón vô cơ phức hợp, với thành phần chủ yếu là đạm và lân, có tác dụng bón lót, bón thúc cho cây trồng cũng như dùng để sản xuất phân bón NPK.
Trong giai đoạn điều tra sơ bộ, Cơ quan điều tra đã thu thập số liệu, ý kiến từ các bên liên quan như Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài, Đại sứ quán các nước có liên quan... để xây dựng và ban hành Kết luận điều tra sơ bộ. Ngày 04 tháng 8 năm 2017, trên cơ sở Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, với mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 8 năm 2017 đến ngày 06 tháng 3 năm 2018.
Trong giai đoạn điều tra cuối cùng, Cơ quan điều tra đã tổ chức các buổi tham vấn với các bên liên quan, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của biện pháp tự vệ tạm thời, cập nhật số liệu và tham khảo ý kiến các Bộ, ngành theo quy định của Pháp lệnh Tự vệ. Do phân bón là đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, để có thời gian lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, qua đó đưa ra đánh giá toàn diện về vụ việc, ngày 10 tháng 11 năm 2017 Bộ Công Thương đã quyết định gia hạn thời gian điều tra thêm 2 tháng (tức là đến ngày 12 tháng 01 năm 2018).
Nội dung kết luận điều tra cuối cùng
Kết luận điều tra cuối cùng cho thấy lượng phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã tăng cả tuyệt đối và tương đối trong giai đoạn điều tra. Kết luận điều tra cũng cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong giai đoạn 2013-2016. Mức chênh lệch giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (bằng mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán trong điều kiện không có thiệt hại) là 1.855.790 đồng/tấn. Hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất là 1.128.531 VND/tấn.
Như vậy, đã có sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu gây tác động về giá, thỏa mãn một trong ba điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định của WTO và Việt Nam (Ba điều kiện là: có tác động về lượng và giá của hàng hóa nhập khẩu; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng; và có mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước).
Trong vụ việc này, mọi chỉ số về thiệt hại đều rõ ràng, cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. Hệ số sử dụng công suất của ngành sản xuất trong nước vẫn còn rất thấp, chưa đủ để đạt đến điểm hòa vốn, do đó ngành sản xuất trong nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Kết quả điều tra cũng cho thấy có mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa gia tăng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Tác động về kinh tế - xã hội
Với một nước nông nghiệp như nước ta, vấn đề tự chủ nguồn cung phân bón là vấn đề quan trọng. Trước năm 2009, khi ta chưa có sản xuất trong nước, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên rất cao (18.000đ/kg năm 2008), dẫn đến thiệt hại nặng nề cho nông dân. Thực tế cho thấy, với những ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, thép, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo..., khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Vì vậy, rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn, đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để phát triển các ngành sản xuất này.
Quá trình điều tra cho thấy ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để áp thuế tự vệ chính thức ở mức 1.855.790 VND/tấn, tức là bằng với mức thuế đang áp dụng tạm thời. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước tối đa chỉ đáp ứng được khoảng 52% nhu cầu, sau khi cân nhắc toàn diện các mặt và tham khảo ý kiến các Bộ ngành liên quan, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân, Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531 VND/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam. Mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm nhưng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì tối đa sẽ không quá 0,72%. Ngoài ra, WTO cho phép áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm nhưng Bộ Công Thương quyết định chỉ áp dụng trong thời gian 2 năm. Sau 2 năm, sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định việc có gia hạn biện pháp tự vệ hay không.
Cục Phòng vệ thương mại
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương