Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022 và kỳ điều hành ngày 11/11/2022 là: 94,992 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,550 USD/thùng, tương đương giảm 0,58% so với kỳ trước); 100,787 USD/thùng xăng RON95 (giảm 0,413 USD/thùng, tương đương giảm 0,41% so với kỳ trước; 123,913 USD/thùng dầu hỏa (giảm 0,560 USD/thùng, tương đương giảm 0,45% so với kỳ trước); 129,525 USD/thùng dầu điêzen (giảm 2,927 USD/thùng, tương đương giảm 2,21% so với kỳ trước); 429,925 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 1,139 USD/tấn, tương đương tăng 0,27% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Kỳ điều hành này, để hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định thực hiện trích lập Qũy BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít, dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu để giá xăng dầu trong nước có xu hướng biến động phù hợp với xu hướng biến động của giá xăng dầu thế giới.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
1. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
- Trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít (kỳ trước trích lập 200 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít (như kỳ trước), dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít ( kỳ trước không trích lập), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (như kỳ trước), dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước).
- Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
2. Giá bán xăng dầu
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 22.671 đồng/lít (giảm 40 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON95-III 1.116 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 23.787 đồng/lít (giảm 80 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.801 đồng/lít (giảm 182 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu hỏa: không cao hơn 24.640 đồng/lít (giảm 107 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.785 đồng/kg (tăng 25 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
3. Thời gian thực hiện
- Trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2022.
- Áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2022 đối với các mặt hàng tăng giá và không muộn hơn 15 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2022 đối với các mặt hàng giảm giá.
- Kể từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 11 năm 2022, là thời điểm Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
4. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).