Ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng
Với việc ban hành Nghị định số 142/2016/NĐ-CP, lần đầu tiên, Chính phủ có quy định về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng với nguyên tắc chủ động phát hiện, khắc phục kịp thời và hiệu quả, không để xảy ra chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng dưới mọi hình thức.
Cụ thể, Nghị định này yêu cầu tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm ngăn chặn các hành động gây nguy cơ xung đột thông tin trên mạng có nguồn gốc từ hệ thống thông tin của mình, cũng như hợp tác xác định nguồn gốc gây xung đột thông tin trên mạng, khắc phục hậu quả xung đột thông tin.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phải thực hiện chặn lọc thông tin khi có một trong các yếu tố: Xác định được nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; Khi xác định rõ tính hợp lý về yêu cầu của bên bị xung đột thông tin trên mạng; Khi có yêu cầu của các cơ quan nghiệp vụ. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ để loại trừ xung đột thông tin trên mạng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2016.
Tiến hành Tổng điều tra kinh tế 5 năm/lần
Chương trình điều tra thống kê quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số43/2016/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 01/12/2016.
Theo Chương trình, Tổng điều tra kinh tế được tiến hành theo chu kỳ 5 năm (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 1 và 6) với đối tượng là các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, chi nhánh, văn phòng của doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, thủy sản… Tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành theo chu kỳ 10 năm (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 9) với đối tượng là tất cả công dân Việt Nam cư trú thường xuyên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hoặc đang tạm trú ở nước ngoài; hộ dân cư. Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất với đối tượng là người sử dụng đất, người quản lý đất được tiến hành theo chu kỳ 5 năm (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 4 và 9)…
Bên cạnh đó, điều tra lao động và việc làm hướng tới thành viên hộ gia đình; thông tin của những người từ 15 tuổi trở lên; tình trạng di cư, trình độ chuyên môn kỹ thuật… được tổ chức định kỳ hàng tháng. Cũng được tổ chức định kỳ hàng tháng là điều tra về bán buôn, bán lẻ hàng hóa, với nội dung điều tra về tổng doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác…
Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020
Quyết định số 1980/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành về Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/12/2016.
Theo Bộ Tiêu chí này, xã được công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới nếu đáp ứng các tiêu chí chung như: Có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn; Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ; Hệ thống điện đạt chuẩn; Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt từ 95% trở lên; Tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 70% trở lên; 100% thôn, bản, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; Không có nhà tạm, dột nát…
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 6% trở xuống; Tỷ lệ người có việc làm từ 90% trở lên; Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ; Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; Phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông đạt từ 85% trở lên…
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức xã đạt chuẩn; Xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở; Tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại Khá trở lên; Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng…
Dự thầu DV phi tư vấn phải có biện pháp bảo đảm
Cũng có hiệu lực từ ngày 01/12/2016, Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch Đầu tư quy định chi tiết về việc dự thầu dịch vụ phi tư vấn, trong đó yêu cầu nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu.
Nhà thầu có thể thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo hình thức thư bảo lãnh do tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng séc bảo chi. Trường hợp liên danh thì phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo một trong hai cách: Từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện riêng rẽ bảo đảm dự thầu nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu, nếu bảo đảm dự thầu của một thành viên trong liên danh được xác định là không hợp lệ thì hồ sơ dự thầu của liên danh đó sẽ không được xem xét tiếp; Các thành viên trong liên danh thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và các thành viên khác trong liên danh…
Thông tư cũng quy định, nhà thầu được hưởng ưu đãi trong quá trình dự thầu nếu có tổng số lao động là nữ giới hoặc thương binh, người khuyết tật chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên; thời gian sử dụng lao động tối thiểu bằng thời gian thực hiện gói thầu nhưng phải tồn tại trong thời gian thực hiện gói thầu; nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ.
16 dịch vụ kỹ thuật y tế tạm thời BHYT chưa thanh toán
Tại Thông tư số 35/2016/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/12/2016, Bộ Y tế quy định cụ thể về Danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế tạm thời Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chưa thanh toán.
Danh mục này bao gồm 16 dịch vụ kỹ thuật y tế, trong đó có: HIV genotype giải trình tự gene; HBV genotype giải trình tự gene; Điều trị bằng bùn; Điều trị bằng nước khoáng; Luyện tập dưỡng sinh; ANA 17 profile test; Helicobacter pylori giải trình tự gene; Chlamydia giải trình tự gene; Neisseria gonorrhoeae kháng thuốc giải trình tự gene; Vibrio cholerae giải trình tự gene; Vi khuẩn kháng thuốc giải trình tự gene; Rubella virus giải trình tự gene; Influenza virus A, B giải trình tự gene; HPV genotype giải trình tự gene; Enterovirus genotype giải trình tự gene và EV71 genotype giải trình tự gene.
Cũng theo hướng dẫn của Thông tư này, Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong phạm vi được hưởng, mức hưởng và giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT theo điều kiện, tỷ lệ và mức giá thanh toán theo quy định; với phần chi phí ngoài phạm vi chi trả, người bệnh tự thanh toán.
Lao động nữ mất việc làm được hỗ trợ đào tạo nghề
Lao động nữ bị mất việc làm là một trong những đối tượng được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo quy định của Thông tư số 152/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Để được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, lao động nữ bị mất việc làm có một trong các giấy tờ như: Quyết định thôi việc, buộc thôi việc; Quyết định sa thải; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; Hợp đồng lao động đã hết hạn. Trường hợp lao động nữ làm việc không theo hợp đồng, khi bị mất việc làm cũng vẫn được hỗ trợ đào tạo nếu có Giấy xác nhận của người sử dụng lao động. Trường hợp tự tạo việc làm, người lao động cần cung cấp Giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của UBND cấp xã (trong trường hợp không có Giấy đăng ký kinh doanh).
Lao động nữ bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/12/2016.
Chậm nộp tiền phạt VPHC về hải quan, tính lãi 0,05%/ngày
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 155/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/12/2016.
Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan mà chậm nộp tiền phạt so với thời hạn thi hành quyết định xử phạt, ngoài việc phải nộp đủ số tiền nộp phạt thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05%/ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần không tính là thời gian chậm nộp tiền phạt.
Về việc miễn, giảm chi phí thi hành cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, Thông tư này quy định cá nhân bị cưỡng chế có thể được xét miễn giảm phí thi hành cưỡng chế nếu thuộc một trong các trường hợp: Có khó khăn về kinh tế; Thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng; Thuộc diện người neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.
Được gia hạn thời gian xác minh nội dung khiếu nại hành chính
Một trong những nội dung mới, nổi bật tại Thông tư số 02/2016/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ là quy định cho phép gia hạn thời gian xác minh nội dung khiếu nại hành chính.
Cụ thể, khi thời hạn xác minh nội dung khiếu nại đã hết mà người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao tiến hành xác minh nội dung khiếu nại chưa thực hiện xong việc xác minh thì người giải quyết khiếu nại xem xét gia hạn thời gian xác minh; việc gia hạn phải không làm cho thời gian giải quyết vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại.
Cũng theo Thông tư này, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết. Trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung và cử người đại diện trình bày thì thụ lý khi trong đơn có đầy đủ chữ ký của người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện trình bày nội dung khiếu nại.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/12/2016.
Thí điểm hỗ trợ một lần sau đầu tư phát triển thủy sản
Cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư phát triển thủy sản sẽ được thí điểm thực hiện từ ngày 15/12/2016 theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, mức hỗ trợ đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 35% tổng giá trị đầu tư đóng mới, tối đa 8 tỷ đồng/tàu với tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV và 9,8 tỷ đồng/tàu với tàu có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên.
Trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu sẽ được hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ không quá 8 tỷ đồng/tàu…
Để được hưởng mức hỗ trợ một lần như trên, chủ tàu phải là thành viên của tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp khai thác hải sản; tàu phải lắp đặt thiết bị thông tin có khả năng định vị kết nối với trạm bờ để quản lý quan sát hành trình và phải có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/12/2016.
Dùng cổ phiếu quỹ góp vốn bị phạt đến 100 triệu
Cũng có hiệu lực từ ngày 15/12/2016, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một loạt mức phạt mới đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, mức phạt từ 70 - 100 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi: Dùng cổ phiếu quỹ làm tài sản bảo đảm, tài sản để góp vốn hoặc hoán đổi; Không đặt lệnh giao dịch mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ hoặc đặt lệnh giao dịch mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ với các mức giá nằm ngoài biên độ dao động giá trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ; Công bố thông tin về mức giá cụ thể dự kiến thực hiện khi giao dịch cổ phiếu quỹ.
Với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt được áp dụng là từ 400 - 700 triệu đồng. Hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền từ 1% - 5% tổng số tiền đã huy động trái pháp luật.
Đáng chú ý, Nghị định này đã giảm mức phạt đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật từ 1,8 - 2 tỷ đồng xuống còn từ 1 - 1,2 tỷ đồng.
Thay đổi cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ
Theo Nghị định số 150/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/12/2016, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ gồm 21 đơn vị, thay vì 19 đơn vị như trước đây.
Một số đơn vị mới được bổ sung như: Vụ Công nghiệp; Vụ Nông nghiệp; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; trong khi đó, bỏ Vụ Kinh tế ngành. Riêng Vụ Theo dõi phối hợp công tác giữa Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương các đoàn thể nhân dân và Chính quyền địa phương được đổi tên thành Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể; Vụ Văn thư hành chính đổi tên thành Vụ Hành chính; Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo và Phòng, chống tham nhũng đổi tên thành Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngoài điều chỉnh nêu trên, các đơn vị khác của Văn phòng Chính phủ như: Vụ Nội chính; Vụ Tổng hợp; Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ; Vụ Pháp luật; Vụ Quan hệ quốc tế; Vụ Kinh tế tổng hợp; Vụ Khoa giáo - Văn xã; Vụ Đổi mới doanh nghiệp; Vụ Thư ký - Biên tập; Vụ Hành chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ… vẫn được giữ nguyên như trước đây.
Trình tự giải quyết tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Thông tư số 26/2016/TT-BXD và có hiệu lực từ ngày 15/12/2016.
Cụ thể, tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng xảy ra khi có ý kiến đánh giá khác nhau về chất lượng sản phẩm, bộ phận công trình và công trình xây dựng; biện pháp khắc phục khiếm khuyết về chất lượng công trình. Tranh chấp về chất lượng có thể xảy ra giữa các chủ thể tham gia xây dựng công trình hoặc giữa các chủ thể này với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng các công trình xây dựng lân cận và các bên có liên quan khác.
Việc giải quyết tranh chấp về chất lượng công trình được tiến hành theo trình tự: Tự thương lượng giữa các bên có tranh chấp; Lựa chọn, thỏa thuận và thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định tiến hành kiểm định đánh giá chất lượng bộ phận, hạng mục công trình, công trình xây dựng và đề xuất giải pháp khắc phục; Khởi kiện và giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, thủ tục tiến hành theo quy định của pháp luật có liên quan.
Quy định mới về chứng từ thanh toán qua ngân hàng
Tại Thông tư số 173/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2016, Bộ Tài chính đã có quy định mới về chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Thông tư này quy định, chứng từ thanh toán qua ngân hàng là chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán, mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, như séc, uỷ nhiệm chi hoặc lệnh chi, uỷ nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).
Được nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện
Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân được nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, trừ thủ tục hành chính yêu cầu tổ chức, cá nhân không được ủy quyền và phải có mặt trực tiếp để giải quyết.
Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ bưu chính của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải được chuyển trả kịp thời cho tổ chức, cá nhân; trường hợp tổ chức, cá nhân không thể trực tiếp nhận hồ sơ, kết quả từ nhân viên bưu chính thì có thể ủy quyền cho người khác nhận hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính.
Phí và lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (nếu có) được nộp theo một trong các phương thức: Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền; Trực tiếp nộp và chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung nêu trên được quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 16/12/2016.
Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đến năm 2020
Theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/12/2016 của Chính phủ, nếu như năm 2016, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định, thì đến năm 2018, giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý, chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định. Đến năm 2020, sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Về số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công, Nghị định cho phép đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên được tự quyết định số lượng người làm việc; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được đề xuất số lượng người làm việc tại đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đối với đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, đề xuất số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân 05 năm trước và không cao hơn số định biên hiện có của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Xác định thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới
Từ 20/12/2016, việc xác định thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được thực hiện theo tiêu chí mới tại Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Quyết định này quy định thôn đặc biệt khó khăn là thôn có 1 trong 2 tiêu chí: Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên (trước đây quy định tỷ lệ này là từ 55%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên); Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên và có 2 trong 3 yếu tố: Trục chính đường giao thông thôn hoặc liên thôn chưa được cứng hóa; Từ 60% trở lên số phòng học cho lớp mẫu giáo chưa được kiên cố; Chưa có Nhà văn hóa - Khu thể thao theo quy định (Với các thôn có số hộ dân tộc thiểu số từ 80% trở lên, cần có 01 trong 03 yếu tố này).
Việc xác định thôn đặc biệt khó khăn phải được cấp xã tiến hành và hoàn thành các thủ tục, hồ sơ trước ngày 19/01/2017.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/12/2016.
4 ngạch công chức Quản lý thị trường
Nghị định số 148/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức Quản lý thị trường.
Công chức Quản lý thị trường bao gồm 4 ngạch: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; Kiểm soát viên chính thị trường; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm soát viên trung cấp thị trường. Để trở thành công chức Quản lý thị trường, cá nhân phải đảm bảo tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể theo ngạch công chức Quản lý thị trường.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/12/2016.
Ngoài ra, còn có quy định về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng; Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán; Thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường; Hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2016.
Nguồn: doanhnghiepvn.vn