Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39 vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này.

Vì vậy, từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn.

Trước đó, nhiều ngân hàng vẫn giải ngân vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Với quy định mới này, nếu hộ gia đình muốn vay, cá nhân là chủ hộ sẽ phải đứng tên và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân.

Việt Nam hiện có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức nhưng các hộ này đều chưa phải là doanh nghiệp -Theo VCCI.

Thông thường, lãi suất vay theo diện cá nhân sẽ được tính như vay tiêu dùng và khiến chi phí vốn có thể "đội" lên. Ngoài ra, cũng từ ngày 15/3, theo quy định mới tại Thông tư 43, các cá nhân có thể vay vốn tiêu dùng để tài trợ cho mục đích tiêu dùng của gia đình mình.

Theo số liệu từ VCCI, hiện Việt Nam có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức nhưng các hộ này đều chưa phải là doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chương trình chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp phải là chương trình then chốt trong mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Sở dĩ Việt Nam có nhiều hộ kinh doanh nhỏ dù quy mô của họ tương đối lớn như một doanh nghiệp do các đơn vị còn né tránh vấn đề liên quan đến các chính sách thuế cũng như thủ tục hành chính.

Do đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, muốn chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Ngoài ra cũng cần có các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng cho các hộ kinh doanh này.

Nguồn: Vnexpress.net