Theo đó, Canada sẽ điều chỉnh các mức thuế trả đũa hiện có đối với thép và nhôm của Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 7 năm 2025, tuỳ thuộc vào kết quả đàm phán thương mại.
1. Tầm quan trọng của xuất khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép vào thị trường Canada
Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép (HS 72) của Việt Nam sang địa bàn chỉ đạt 19 triệu USD, giảm mạnh 38.6 % so với cùng kỳ 2024. Mức giảm này thể hiện xu hướng sụt giảm nhập khẩu từ Canada đối với mặt hàng này của Việt Nam đã diễn ra từ 2023 cũng như xu hướng giảm nhập khẩu chung của Canada đối với nhóm mặt hàng này từ thị trường thế giới (-16.5%). Do tình hình kinh tế cũng như sự bất định thuế quan, các doanh nghiệp Canada đã giảm mạnh nhập khẩu nhóm mặt hàng này; từ mức trung bình trên 10 tỷ USD hàng năm xuống dự báo khoảng 8 tỷ USD trong năm nay. Việt Nam đã xuất khẩu cao điểm trong năm 2022, với kim ngạch lên đến 296 triệu USD, đưa sắt thép trở thành top 7 sản phẩm quan trọng nhất của Việt Nam vào Canada, và Việt Nam trở thành top 7 nước xuất khẩu sắt thép lớn nhất vào Canada. Sau 2022, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam liên tục sụt giảm, chủ yếu do tác động của các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với sắt thép của Việt Nam. Kể cả ở lúc cao điểm, thị phần của Việt Nam cũng rất nhỏ, chưa đến 3%. Xuất khẩu sắt thép vào Canada chủ yếu là Hoa Kỳ với thị phần dao động từ 45-52%; sau Hoa Kỳ là Trung Quốc và Hàn Quốc, với tổng thị phần khoảng 12%. Trong bối cảnh chiến tranh thuế quan hiện nay, nhập khẩu sắt thép của Canada từ Hoa Kỳ và Trung Quốc đều giảm mạnh, lần lượt là -18% và – 58%. Tuy nhiên, đáng lưu ý là từ đầu năm đến nay, Canada vẫn tăng nhập khẩu sắt thép từ một số nước, cụ thể là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ và đặc biệt, Philippines là nước lần đầu trở thành top 10 đối tác xuất khẩu sắt thép quan trọng nhất vào Canada, với kim ngạch từ đầu năm đến nay lớn gấp đôi của Việt Nam. Trong top 10 nước xuất khẩu sắt thép (HS 72) lớn nhất vào Canada năm 2024, các nước không có FTAs với Canada là: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Đài Loan, UAE với tổng thị phần khoảng 18.5%.
Đối với sản phẩm sắt thép (HS 73), trong kỳ báo cáo, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn cũng giảm mạnh (-12.1%), chỉ đạt 65 triệu USD. Nhu cầu của thị trường Canada đối với nhóm sản phẩm này cũng giảm 0.9% so với cùng kỳ 2024, nhưng dự báo sẽ ổn định quanh mức 12 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu cao điểm trong năm 2024, với kim ngạch lên đến 170 triệu USD, đưa sản phẩm sắt thép lần đầu tiên trở thành top 10 sản phẩm quan trọng nhất của Việt Nam vào Canada, và Việt Nam cũng trở thành top 10 nước xuất khẩu sản phẩm sắt thép lớn nhất vào Canada. Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam năm 2024 cũng rất nhỏ, chưa đến 1.5%. Xuất khẩu chủ yếu sản phẩm sắt thép vào Canada là Hoa Kỳ với thị phần dao động từ 45-50%; Trung Quốc có thị phần thứ 2, chiếm 20-22% và sau đó là Mexico và Đài Loan, với tổng thị phần khoảng 10-12%. Canada đang giảm mạnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ (-8%) nhưng vẫn tăng nhập khẩu từ Trung Quốc (11.2%). Trong top 10 nước xuất khẩu sản phẩm sắt thép (HS 73) lớn nhất vào Canada năm 2024, các nước không có FTAs với Canada là: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, với tổng thị phần khoảng 28%.
Trong năm 2024, tổng giá trị mã HS 72 và 73 của Việt Nam vào Canada là 217 triệu USD, tương đương 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào địa bàn. Năm cao điểm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu tới 424 triệu USD vào địa bàn, tương đương khoảng 4.2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào địa bàn. Cả hai mã HS 72 và 73 đều đã có thời điểm nằm trong top 10 sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào Canada. Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu các mã hàng này từ Hoa Kỳ giảm mạnh do bối cảnh chiến tranh thuế quan giữa hai nước (-12.7%, tuy nhiên, Canada vẫn nhập khẩu tăng từ nhiều đối tác khác, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ba Nha (là các nước có Hiệp định thương mại tự do) và cả từ các nước không có Hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ. Điều này cho thấy sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ngành sắt thép của Canada và các tiềm năng cho xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.
2. Thay đổi chính sách đối với xuất khẩu sắt thép
Ngày 19/6/2025, Bộ trưởng Tài chính Canada đã họp báo và công bố các biện pháp bảo vệ công nhân và ngành nhôm thép của Canada, theo đó, Canada sẽ điều chỉnh các mức thuế trả đũa hiện có đối với thép và nhôm của Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 7 năm 2025, tuỳ thuộc vào kết quả đàm phán thương mại. Ông cũng công bố, bắt đầu từ ngày 30 tháng 6 năm 2025, chính phủ sẽ thực hiện các quy tắc mua sắm có đi có lại, hạn chế quyền tiếp cận các hợp đồng mua sắm của liên bang, ưu tiên cho các nhà cung cấp từ Canada và các đối tác thương mại đáng tin cậy; đồng thời công bố, Canada sẽ áp dụng các mức thuế mới dựa trên nguồn gốc sản xuất (nơi nấu chẩy và đúc, áp dụng không chỉ với thép mà cả nhôm) để chống lại tình trạng dư thừa công suất toàn cầu và các hành vi thương mại không công bằng. Đáng lưu ý nhất là công bố thiết lập các hạn ngạch (TRQ) mới ở mức 100% khối lượng nhập khẩu năm 2024 đối với các sản phẩm thép từ các đối tác không có FTA. Các TRQ này được áp dụng hồi tố và sẽ được xem xét sau 30 ngày. Để thực thi, ông cũng công bố thành lập 2 đội đặc nhiệm (một cho thép và một cho nhôm) để theo dõi hoạt động thương mại và tác động về giá và khởi động chương trình cho vay 10 tỷ CAD cho các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Đến ngày 27/6/2025, Bộ trưởng Tài chính tiếp tục đưa ra thông cáo báo chí làm rõ hơn về hạn ngạch thuế quan mới, theo đó, hạn ngạch được đặt ở mức 2.6 triệu tấn là mức Canada nhập khẩu năm 2024 từ các nước không có FTAs. Các nước không có Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với Canada sẽ chịu mức thuế bổ sung đối với lượng thép vào Canada quá mức của năm 2024. Biện pháp này có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được xem xét sau 30 ngày. Biện pháp này dựa trên kết quả tham vấn trước đó với các bên liên quan nhằm đối phó với rủi ro rằng thép ban đầu dành cho Hoa Kỳ được chuyển hướng đến phá giá thị trường Canada nhưng đồng thời để đảm bảo không gián đoạn nguồn cung cho người dùng Canada. TRQ sẽ được xem xét định kỳ (30 ngày) nhằm đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của cũng như để kịp thời điều chỉnh trong trường hợp thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ có tiến bộ.
Ngày 16/7/2025, ông Carney đã có chuyến thăm đến nhà máy thép ở Hamilton, tại đây, ông đã công bố các biện pháp mới để tiếp tục bảo vệ ngành thép Canada, theo đó, một lần nữa TRQ lại được điều chỉnh: hạn ngạch miễn thuế từ các nước không có FTAs giảm xuống còn một nửa mức tổng xuất khẩu của nhóm này trong năm 2024. Quá mức này, các nước không có FTAs sẽ chịu thuế 50% (cộng gộp với các loại thuế trước đó, ví dụ với Trung Quốc là 25% và các thuế chống phá gía nếu có). Đối với các nước có FTAs, hạn ngạch giữ ở mức của năm 2024 mà nước đó đã xuất khẩu sang Canada, quá mức này, sẽ chịu thuế 50% đối với lượng nhập khẩu quá. TRQ cho các nước có FTAs sẽ áp dụng từ 1/8/2025. Tuy nhiên, Canada tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia có chứa thép được nấu chảy và đúc tại Trung Quốc. Ông Carney cũng tuyên bố rằng sẽ đánh giá lại các khung khổ Hiệp định thương mại tự do hiện nay phần liên quan đến thép và đưa ra một số biện pháp để hỗ trợ lao động ngành thép và ngành thép Canada, cụ thể là: 70 triệu CAD để hỗ trợ đào tạo và thu nhập cho lao động ngành thép bị ảnh hưởng; lập ra quỹ đổi mới chiến lược với khoản đầu tư 1 tỷ đô CAD để giúp các công ty thép tăng tính cạnh tranh và tái cơ cấu sản xuất để phục vụ các nhu cầ thép nội địa (trong đó có thép quốc phòng và thép xây dựng) và một số ưu đãi khác về cơ chế vay vốn và điều kiện cho vay.
3. Tác động của các biện pháp này đối với xuất khẩu sắt thép của Việt Nam
Từ 4/6/2025, nhôm thép và các sản phẩm phái sinh của Canada xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã chịu mức thuế 50% theo mục 232 của TEA (mục 232 được áp dụng bất kể sản phẩm có tuân thủ Cusma hay không nhưng không cộng gộp với 35% theo thuế IEEPA). Việc Hoa Kỳ áp thuế 50% đối với nhôm thép Canada đã làm cho thép và nhôm của Canada trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua Hoa Kỳ (hiện chỉ có Anh là được hưởng mức thuế nhôm thép 25%), khiến họ tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế từ trong nước hoặc các quốc gia khác. Điều này dẫn đến giảm xuất khẩu và mất thị phần cho các nhà sản xuất Canada. Thuế quan cũng có tác động đáng kể đối với ngành công nghiệp luyện kim của Canada cũng như các ngành công nghiệp tích hợp nhiều sắt thép như ô tô, hàng không vũ trụ. Việc áp thuế quan cũng gây ra tắc nghẽn sản xuất, thậm chí là ngừng hoạt động ở nhiều nhà máy Canada và xu hướng chuyển dịch về Hoa Kỳ.
Vì vậy, các thay đổi chính sách nêu trên của Canada chính là để giúp bảo vệ việc làm và ngành công nghiệp sắt thép của Canada vì đây là ngành chịu tác động nhiều nhất của thuế quan Hoa Kỳ do không được hưởng ngoại lệ Cusma. Các biện pháp vừa công bố mang lại tính minh bạch và công bằng trong chuỗi cung ứng thép của Canada, tăng tính cạnh tranh cho ngành nhôm thép Canada, đồng thời bảo đảm nhu cầu của thị trường đối với những mặt hàng mà ngành thép Canada chưa/không có khả năng cung ứng thay thế và khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thép.
Những thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại của Canada trong vài năm gần đây đã hạn chế dòng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam vào địa bàn (đã phân tích trong các báo cáo liên quan đến các vụ việc mới phát sinh), khiến cho kim ngạch 2024 của Việt Nam giảm mạnh với mã HS 72 và bắt đầu giảm với mã HS 73 trong nửa đầu 2025. Tuy nhiên, các thay đổi chính sách thuế quan và thương mại đối với ngành thép của Canada, nhất là chính sách hạn ngạch với sự phân biệt rõ ràng giữa các đối tác FTAs và không có FTAs có thể sẽ có những tác động đến xuất khẩu mặt hàng sắt thép và sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam thời gian tới.
Về lý thuyết, các biện pháp Canada mới công bố gần đây sẽ tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu thép có FTAs với Canada cạnh tranh tốt hơn với các nước không có FTAs với Canada và mở rộng thị phần, do các nước có FTAs được hưởng hạn ngạch cao hơn (100% so với 50% cho các nước có FTAs). Ngoài tác động tích cực này, việc Chính phủ Canada áp hạn ngạch TRQ với các nước không có FTAs sẽ khiến các nhà nhập khẩu Canada có nhu cầu mạnh hơn về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các đối tác có FTAs, nhận biết rõ hơn về cơ cấu mặt hàng của các nước FTAs, mở ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng mới. Năm 2024, Canada đang nhập khẩu từ các nước không có FTAs 2.6 triệu tấn sắt thép (những sản phẩm Canada chưa tự chủ sản xuất hoặc sản xuất không hiệu quả) nhưng với việc giảm hạn ngạch xuống một nửa cho các nước không có FTAs, các nước có FTAs sẽ có lợi thế cạnh tranh tương đối với khoảng 1.3 triệu tấn thép.
Cùng với việc thay đổi TRQ, Canada cũng công bố các thức quản lý và triển khai TRQ, theo đó, TRQ sẽ do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) cấp phép. Các nhà nhập khẩu muốn nhập khẩu trong phạm vi hạn ngạch sẽ phải xin giấy phép trước khi nhập để xác nhận lô hàng đủ điều kiện hưởng thuế quan trong hạn ngạch. Để có giấy phép, các nhà nhập khẩu cần đăng ký mã số EIPA với GAC; các giấy phép này có giá trị trong vòng 20 ngày kể từ ngày cấp. Nếu không có giấy phép đặc thù này, hàng nhập khẩu tự động chịu mức thuế bổ sung 50%, bất kể nguồn gốc và kể cả có giấy phép nhập khẩu thông thường (GIP). Cơ quan dịch vụ biên giới sẽ có trách nhiệm kiểm soát hạn ngạch này ở biên giới (thu thuế bổ sung nếu quá hạn ngạch và kiểm tra các bằng chứng về nguồn gốc của thép).
Các thay đổi chính sách quản lý nhập khẩu thép như trên có mặt tích cực ở chỗ minh bạch hoá quy trình nhập khẩu sắt thép và mức thuế nhập khẩu, lượng nhập khẩu để tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu Canada chắc chắn hơn trong quyết định kinh doanh. Các nhà nhập khẩu Canada để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp không ổn định hoặc bị áp thuế nặng có thể chuyển hướng sang các đối tác đáng tin cậy như Việt Nam trong khuôn khổ CPTPP. Điều này mở ra cơ hội để thiết lập quan hệ đối tác và tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Bắc Mỹ thông qua Canada. Việc công bố rõ ràng cũng như khẳng định của ông Carney về việc “khó có khả năng đạt được Hiệp định thuế quan với mức thuế bằng 0 giữa Hoa Kỳ và Canada và thuế quan giữa hai nước sẽ là thực tế lâu dài” cũng giúp định hình lâu dài dòng chảy thương mại đối với ngành nhôm thép giữa các nước có FTAs với Canada vì dù thuế 50% là cao nhưng nó là một chi phí dự đoán được và nhu cầu xác lập quan hệ đối tác tin cậy không rủi ro bị chặn hoàn toàn đột ngột như các nước không có FTAs. Từ góc độ các thị trường có FTAs với Canada, các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu ổn định hoặc gia tăng vào thị trường Canada là nhóm các mặt hàng Chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất Canada không có ý định/ thúc đẩy sản xuất trong nước hoặc không có khả năng sản xuất trong nước.
Các sản phẩm thép mà Canada ưu tiên thúc đẩy sản xuất/chuyển dịch sản xuất trong nước thời gian tới là các mặt hàng sắt thép phục vụ quốc phòng, hàng không và xây dựng, trong đó chủ yếu là thép cán phẳng và thép dài. Việt Nam sẽ vẫn có lợi thế đối với các sản phẩm thép không gỉ, thép bán thành phẩm và trong chừng mực nhất định là thép ống. Việc Canada áp thuế bổ sung sẽ khiến sắt thép từ Trung Quốc phải chịu thuế đến 75%, khiến cho nước này hoàn toàn mất khả năng vào thị trường Canada. Đây có thể là cơ hội đối với Việt Nam và các nước có FTAs với Canada vì biên độ cạnh tranh của các nước này và Trung Quốc là 25%. Điều quan trọng là Việt Nam phải chứng tỏ được chuỗi cung ứng rõ ràng và không phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc (quy định nấu chảy và đúc – nguyên tắc xuất xứ). Cần lưu ý là kể cả Việt Nam có FTAs (CPTPP) với Canada, thép từ Việt Nam sẽ vẫn phải chịu thuế bổ sung 25% nếu thép nguyên liệu (phôi thép) Việt Nam sử dụng được nấu chảy và đúc tại Trung Quốc (bất kẻ được cán, tạo hình hoặc lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng ở Việt Nam) vì mục đích của biện pháp thuế bổ sung là nhắm vào nguồn gốc của thép, tránh các hình thức chuyển tải lách luật.
Hạn ngạch TRQ 2.6 triệu tấn dành cho các nước không có FTAs được tính từ 27/6/2025 đến 26/6/2026 (chia thành 4 quý) với số lượng phân bổ theo quý như sau: thép cán phẳng (186,856 tấn); thép dài (178,512 tấn); thép ống (117,406 tấn), thép bán thành phẩm (152,383 tấn) và thép không gỉ (5,568 tấn). Hạn ngạch TRQ được phân bổ theo quy tắc ai đến trước hưởng trước trong 2 quý đầu (tính đến 25/12/2025) và sau đó sẽ có thông tin nếu có thay đổi trong các quý sau. Nếu một nước đã đạt đến hạn ngạch trong quý của mình, nước đó sẽ không được cấp phép nữa; ngược lại nếu chưa dùng hết hạn ngạch, số dư sẽ được chuyển sang quý tiếp theo. Giấy phép đăng ký nhập khẩu phải nêu rõ số lượng nhập theo kg và nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm cũng cấp hoá đơn, phiếu đóng gói, vận đơn và tờ khai kế toán thương mại. Các nhập khẩu theo giấy phép thông thường ngoài hạn ngạch TRQ sẽ chịu mức thuế 50% nhưng không có hạn chế về khối lượng theo chủng loại hàng.
Việc áp dụng hạn ngạch chặt chẽ theo từng quốc gia và từng nhóm mặt hàng với mã HS cụ thể đặt ra một khó khăn cho các nước về sự khó linh hoạt chuyển hướng sang các mặt hàng thị trường có nhu cầu hoặc có đơn hàng (kể cả các nước có FTAs). Canada sẽ dựa vào dữ liệu 2024 để xác định hạn ngạch của từng nước đã xuất đối với 5 nhóm hàng và đảm bảo mỗi loại sản phẩm không được vượt quá hạn ngạch đã xuất của năm cũ. Ngay khi vượt hạn ngạch của quý, mặt hàng phải lập tức chịu thuế bổ sung chứ không được sử dụng hạn ngạch còn dư của năm dành cho nước mình. Quy định này thật sự bất lợi cho Việt Nam vì số liệu sử dụng làm hạn ngạch là của 2024 khi xuất khẩu sắt thép Việt Nam vào địa bàn đặc biệt sụt giảm, gây khó khăn cho khả năng nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của Việt Nam từ các nước không có FTAs với Canada. Việt Nam không có nhiều cơ hội để cạnh tranh về giá ngay cả với các nước không có FTAs với Canada vì hạn ngạch 2024 của chúng ta quá thấp khiến mọi nỗ lực tăng thị phần sẽ đều lập tức đối mặt với mức thuế 50% (tức là tương đương các nước không có FTAs, không tính Trung Quốc chịu mức thuế 75%).
Việc quản lý hạn ngạch theo quý buộc cả nhà nhập khẩu và xuất khẩu phải theo dõi sát để tránh vượt quá hạn ngạch. Đây cũng là một việc không dễ dàng vì các nhà nhập khẩu Canada thường rất ngại theo đuổi các thủ tục hành chính, xin cấp phép. Ngược lại, do quy mô xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 không lớn (thị trường Canada không đủ hấp dẫn), chính các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng không muốn đầu tư vào hệ thống tuân thủ để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về hạn ngạch, xin giấy phép nhập khẩu, và chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Một khó khăn nữa của quy định nhôm thép nấu chảy và đúc là nguy cơ các sản phẩm cuối cùng khác của Việt Nam như ô tô, cửa khung UPvc, nồi niêu, dụng cụ bếp… sản xuất tại Việt Nam, dù không chịu thuế bổ sung 50% nhưng vẫn có nguy cơ chịu thuế 25% chứ không còn được hưởng miễn thuế quan theo CPTPP.
Các phân tích này sẽ ít nhiều thay đổi nếu ngày 21/7/2025, Canada quyết định áp thuế trả đũa 50% lên sắt thép và nhôm của Hoa Kỳ, làm giảm hẳn lượng nhập khẩu từ Hoa Kỳ nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho nhôm thép Canada. Các quốc gia có FTAs với Canada cũng sẽ hưởng lợi từ quyết định áp thuế trả đũa này vì chắc chắn các nhà nhập khẩu bắt buộc phải khai thác tối đa hạn ngạch TRQ miễn thuế. Việt Nam có thể chắc chắn sử dụng hết hạn ngạch TRQ của mình; tuy nhiên, việc cạnh tranh để lấn sân thị phần của Hoa Kỳ vẫn là không dễ dàng; trừ khi các nhà sản xuất Việt Nam vẫn có lợi nhuận và có mức giá cạnh tranh hơn Hoa Kỳ (hoặc các nước khác) để bù đắp mức thuế 50%.
Nhìn chung, những thay đổi gần đây trong chính sách thuế quan với sản phẩm nhôm thép của Canada có tác động tích cực nhưng không nhiều đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam do kim ngạch 2024 của chúng ta quá thấp. Các nước có FTAs khác có nhiều lợi ích hơn Việt Nam trong các thay đổi này (Hàn Quốc, Mexico, Nhật Bản, EU). Thậm chí, việc áp dụng TRQ kéo dài còn gây bất lợi với Việt Nam do thị phần của chúng ta quá nhỏ để tham gia vào dòng chảy thương mại nhôm thép và khả năng định hình lại chuỗi cung ứng của ngành này.
Tác giả: TS. Quỳnh Trần, Thương vụ Việt Nam tại Canada

Nguồn: moit.gov.vn