Theo Nghị định, các sở là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Các sở có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương theo quy định. Ngoài việc xây dựng và trình các văn bản quy phạm pháp luật, sở còn tổ chức thực hiện các kế hoạch sau khi được phê duyệt; triển khai công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ như giám định, đăng ký, cấp phép và quản lý các tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi quản lý chuyên ngành.
Về cơ cấu, mỗi sở có thể bao gồm các phòng chuyên môn, văn phòng, chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định, mỗi địa phương được tổ chức không quá 14 sở; riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được tổ chức tối đa 15 sở. Trong đó, có 12 sở bắt buộc được tổ chức thống nhất tại tất cả các địa phương như Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND. Ngoài ra, một số địa phương có thể thành lập thêm các sở đặc thù như Sở Ngoại vụ, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Du lịch hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (áp dụng riêng cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).
Đối với cấp xã, Nghị định quy định mỗi xã có ba phòng chuyên môn thuộc UBND xã, có chức năng giúp UBND cấp xã quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực tại địa phương. Các phòng này vừa chịu sự chỉ đạo của UBND cấp xã, vừa chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ từ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Nhiệm vụ của các phòng bao gồm triển khai thực hiện pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật, thẩm định và cấp các loại giấy phép theo thẩm quyền, quản lý các tổ chức kinh tế, hội, tổ chức phi chính phủ và triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ, thông tin, lưu trữ, chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý địa phương.
Cụ thể, ba phòng chuyên môn tại cấp xã gồm: Văn phòng HĐND và UBND (phụ trách các lĩnh vực văn phòng, tư pháp, đối ngoại), Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng - Đô thị (phụ trách tài chính - kế hoạch, xây dựng, công thương, nông nghiệp, môi trường), và Phòng Văn hóa - Xã hội (phụ trách nội vụ, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, thông tin). Việc thành lập các phòng chuyên môn tại xã căn cứ vào quy định của Nghị định và nhu cầu thực tiễn tại địa phương.
Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cấp xã trong việc tổ chức bộ máy hành chính. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng sở; quyết định số lượng phó giám đốc và việc thành lập, sắp xếp, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Trong khi đó, UBND cấp xã có trách nhiệm quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn phù hợp với hướng dẫn của cấp trên và quy định của pháp luật.
Nghị định 150/2025/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm kiện toàn bộ máy hành chính các cấp, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tinh gọn và phù hợp với yêu cầu phát triển của từng địa phương.
Xem chi tiết văn bản tại đây