Chỉ số MSCI về cổ phiếu Châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản tăng 0,23%, đánh dấu ngày tăng thứ hai liên tiếp.
Đồng yên Nhật ở mức 151,71 JPY đổi 1 USD, sau khi chạm mức thấp nhất trong một năm là 151,92 JPY đổi 1 USD vào thứ Hai (13/11). Nếu đồng tiền này phá vỡ mức đáy 151,94 JPY đổi 1 USD của năm ngoái, nó sẽ đánh dấu mức thấp mới trong 33 năm.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Ba (14/11) cho biết chính phủ sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để ứng phó với các biến động tiền tệ, ông nhấn mạnh biến động quá mức là điều không mong muốn.
Thị trường chứng khoán Châu Âu cũng được dự đoán sẽ tiếp tục ảm đạm, với hợp đồng Eurostoxx 50 kỳ hạn tương lai giảm 0,05%, hợp đồng DAX kỳ hạn tương lai của Đức giảm 0,01% và hợp đồng FTSE kỳ hạn tương lai giảm 0,15%.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố vào cuối ngày, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác cho biết họ vẫn không chắc liệu lãi suất có đủ cao để kiềm chế lạm phát hay không.
Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự kiến lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ sẽ giảm xuống 3,3% trong tháng 10/2023 từ mức 3,7% trong tháng 09/2023. Lạm phát giá tiêu dùng lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, được dự báo ổn định ở 4,1%.
Anderson Alves, một nhà giao dịch tại ActivTrades, cho biết: “Dữ liệu này có ảnh hưởng đáng kể đến định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang trong tương lai”.
Cổ phiếu của Trung Quốc đại lục giảm nhẹ, với chỉ số blue-chip CSI 300 giảm 0,19% trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 0,09%, trước hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối tuần này.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ở mức 4,630%, giảm nhẹ so với mức cao nhất trong một tuần vào thứ Hai (13/11) là 4,696%.
Hôm thứ Sáu (10/11), Moody’s đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng AAA của Mỹ xuống "tiêu cực" từ "ổn định" với lý do thâm hụt tài chính lớn và khả năng chi trả nợ giảm. Quyết định của Moody được đưa ra sau khi Fitch hạ xếp hạng tín dụng hàng đầu của Mỹ vào tháng 08/2023.
Gary Dugan, Giám đốc Đầu tư của Dalma Capital, cho biết: “Khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn một năm nữa là diễn ra, chính phủ khó có thể công bố những đề xuất quan trọng để giải quyết những vấn đề này, do những hứa hẹn cắt giảm chi tiêu và tăng thuế không được ưa chuộng”.
Chính phủ Mỹ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa vào ngày 18/11 nếu Quốc hội không thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn.
Sự sụt giảm của đồng yên khiến các nhà giao dịch để mắt xem liệu chính quyền Nhật Bản có can thiệp hay không, với dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể là nguyên nhân dẫn đến động thái lớn tiếp theo.
Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ - bán USD và mua đồng yên - vào tháng 10 năm ngoái. Dữ liệu can thiệp được công bố vào tháng trước cho thấy chính quyền đã tránh xa các hành động như vậy kể từ đó.
Đồng tiền này đã giảm khoảng 14% so với đồng USD trong năm nay.
Đồng yên đã tăng vọt so với đồng USD trong vài giờ ở New York vào thứ Hai (13/11) sau khi chạm mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, điều mà các nhà phân tích cho là do một loạt giao dịch quyền chọn sắp đáo hạn trong tuần này.
Nicholas Chia, chiến lược gia vĩ mô tại Standard Chartered, cho biết sự biến động của đồng yên cho thấy thị trường đang lo lắng về khả năng can thiệp, giúp hạn chế tình trạng đầu cơ quá mức.
Chỉ số USD, thước đo tiền tệ của Mỹ so với sáu đồng tiền chủ chốt, tăng 0,057% ở mức 105,69. Chỉ số này giảm 1% trong tháng 11/2023, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài ba tháng.
Giá dầu tăng nhẹ sau khi báo cáo của OPEC cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn mạnh. Giá dầu thô của Mỹ tăng 0,27% lên 78,47 USD/thùng và giá dầu Brent ở mức 82,73 USD, tăng 0,25% trong ngày.