Dẫn nguồn tin từ Thoibaotaichinhvietnam.vn, thị trường chứng khoán ngày 16/10 thêm một phiên giao dịch có mức biến động hầu như không đáng kể. Trừ số ít cổ phiếu vẫn được đầu cơ mạnh, thị trường nhìn chung ít cơ hội tăng.
Xả đợt đầu, FLC thanh khoản kỷ lục 14 tháng
Thị trường tiếp tục hướng chú ý tới giao dịch của FLC trong phiên hôm nay vì câu hỏi: Liệu FLC sẽ được “thổi” lên giá nào? Hôm nay cũng là ngày đầu tiên những nhà đầu cơ mua sớm cuối tuần trước có hàng để bán. “Phe” đánh lên FLC phải thể hiện được sức mạnh khi nhóm nhà đầu cơ này chốt lời.
Ba phiên giá thấp nhất của FLC cuối tuần trước đã giao dịch tổng cộng gần 10 triệu cổ phiếu. Đây là lượng cổ phiếu có lời nhất trong thời gian nắm giữ ngắn nhất. Dĩ nhiên với mức tăng rất mạnh hai ngày trước, giá đã đã giúp tất cả những ai giao dịch trong tháng 9 đều có lời tùy mức độ. Thế nhưng tháng 9 cũng là tháng FLC giảm chóng mặt, không mấy người dám bắt đáy.
“Sóng FLC" được đồn thổi từ tuần trước và chắc chắn có những nhà đầu cơ nhạy bén hoặc biết gì đó hơn người khác, tiến hành mua sớm. Lợi nhuận gần 22% chỉ trong vài ba ngày là cơ hội vàng. Vì vậy nguy cơ FLC bị chốt lời mạnh hôm nay nay là rất cao.
Giao dịch tại FLC rất mạnh. Cả phiên có gần 30,7 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. FLC có lúc tụt xa khỏi mức trần, nhưng cuối cùng thì vẫn ổn. Đây là mức giao dịch cao nhất trong vòng 14 tháng của cổ phiếu này.
FLC được coi là bị xả đợt đầu tiên khá lớn nên đã ảnh hưởng tới hoạt động đầu cơ với các cổ phiếu khác có liên quan. Ví dụ ART sụt giảm 4,76%, HAI giảm 3,93%, KLF về tham chiếu, GAB tăng nhẹ 0,41%, TSC tăng 1,09%...
Giao dịch của FLC cũng có tác động nhiều đến thanh khoản hôm nay, vì các cổ phiếu còn lại nhìn chung giao dịch ít. Với mức thanh khoản kỷ lục này, FLC đã sang tay một lượng cổ phiếu ngắn hạn khá cao. Nếu giá dừng tại đây, cuộc chơi ở FLC hẳn sẽ rất thất vọng.
Blue-chips suy yếu, thị trường tăng không đáng kể
Giao dịch sôi động của FLC chỉ là một nét nhỏ của thị trường hôm nay và tình trạng chung là lình xình với biến động rất ít. VN-Index suy yếu trong phần lớn phiên giao dịch, từ đỉnh cao 997,4 điểm trượt xuống 994,46 điểm, chỉ tăng 1,41 điểm cả ngày.
Nguyên nhân chính khiến thị trường chỉ có thể duy trì được trạng thái đi ngang và trồi sụt liên tục là do không có cổ phiếu nào đủ đột biến để tạo thay đổi. Số blue-chips giảm áp đảo khi nhóm VN30 có tới 17 mã giảm giá và 7 mã tăng giá. Đáng lẽ sức ép của blue-chips phải đẩy VN-Index sụt giảm.
May mắn cho chỉ số này là các mã lớn nhất vẫn còn tăng: VNM tăng 1,64%, VCB tăng 1,06% là hai cổ phiếu đáng chú ý nhất. VCB hiện vốn hóa lớn thứ hai thị trường còn VNM đứng thứ 4. Ngoài ra CTG tăng 0,92%, TCB tăng 0,82%. Đó là 4 mã duy nhất có hiệu quả tăng giá nhìn thấy được ở phiên này.
Ngược lại, chỉ số tăng nhưng cổ phiếu giảm giá khá nhiều. Blue-chips có VIC giảm 0,34%, SAB giảm 0,31%, MSN giảm 0,51%, HPG giảm 0,23%, BID giảm 0,6%. Trên cả sàn HSX, cứ 1 mã giảm chỉ có 0,78 mã tăng.
Nhóm đầu cơ ngoài FLC, chỉ sót lại vài mã được đẩy trần là HAX, DIC, TTZ. Mức tăng chủ yếu chỉ dưới 1% ở nhóm đầu cơ là rất yếu. Thêm nữa thanh khoản của nhóm đầu cơ nhỏ, thể hiện sức nóng đã không còn hoặc dồn cả vào FLC.
Thị trường thiếu sức mạnh
Đến hôm nay đã là phiên thứ 3 kể từ khi vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung có kết quả, nhưng thị trường Việt Nam lại không cho thấy sự hào hứng như thế giới. Cả ba phiên VN-Index khi tăng thì tăng không tới 2 điểm, mà giảm cũng không quá 1 điểm. Đó là tình trạng đi ngang rất khó chịu.
Rất khó để biết liệu nhà đầu tư thật sự đang suy nghĩ gì, nhưng cứ nhìn vào biến động giá của thị trường cũng như thanh khoản hàng ngày thì rõ ràng giao dịch có nhiều nét chán nản hơn là hưng phấn. Không chỉ có chỉ số tăng giảm rất ít, mà số lượng cổ phiếu giảm giá mấy ngày nay đều nhiều hơn số tăng giá.
Thanh khoản thì trừ các cổ phiếu đột biến tạo thanh khoản như ROS hay FLC hôm nay, các cổ phiếu còn lại hầu hết là không thu hút được dòng tiền lớn. Tình trạng này rõ ràng là chưa phù hợp với kỳ vọng về một con sóng kết quả kinh doanh quý 3.
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 17/10:
Duy trì tăng điểm
Chứng khoán MB (MBS)
Về kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường vẫn tiếp diễn, kịch bản khả dĩ lúc này là tích lũy vài phiên ở vùng cản mạnh trước khi bứt phá qua ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí III có thể là nhân tố giúp thị trường thành công ở lần vượt cản này.
Giằng co
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 17/10, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 991 - 1.000 điểm (MA20-trendline nối các đỉnh từ tháng 10/2018).
Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã mua trước đó. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược mua thấp (buy low) khi chỉ số lùi về gần ngưỡng hỗ trợ 980 điểm và bán cao (sell high) khi chỉ số tiến đến gần ngưỡng kháng cự 1.000 điểm.
Tâm lý giao dịch kém tích cực
Chứng khoán Rồng Việt (VDS)
Phiên thứ ba liên tiếp chỉ số giằng co trong phiên nhưng không có sự bứt phá nào đáng kể. Chỉ số luôn thoái lui mỗi khi đi vào vùng kháng cự mạnh 995 - 1.000 điểm, cho thấy sự không đồng thuận và tâm lý có phần e ngại của nhiều NĐT trên thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI tiếp tục cải thiện nhẹ. Đường MACD có xu hướng sắp cắt lên trên đường tín hiệu. Đường RSI hướng đến ngưỡng 60.
Dao động trong vùng 990 - 998 điểm
Chứng khoán Bảo Việt (BVS)
Thị trường dự báo sẽ tiếp tục biến động giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần. VN-Index nhiều khả năng vẫn dao động trong vùng 990 - 998 điểm.
Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo thông tin lợi nhuận quí III của từng doanh nghiệp cụ thể. Ngoài ra, có khả năng các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể sẽ chịu biến động mạnh trong phiên kế tiếp do mai là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 10
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nguồn: VITIC