Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 tỷ USD được người Hồi giáo sử dụng để mua các loại thực phẩm có chứng nhận Halal. Riêng khu vực Đông Nam Á, có khoảng 860 triệu người theo đạo Hồi, mỗi năm có khoảng 460 tỷ USD được sử dụng để mua các loại thực phẩm có chứng nhận Halal.
Theo thông tin từ Tập đoàn De Heus Việt Nam, hiện doanh nghiệp này đang nỗ lực để đưa thịt gà cũng như các sản phẩm gia cầm khác vào thị trường Halal. De Heus có thể đáp ứng được những yêu cầu được đặt ra từ một số thị trường thuộc nhóm Halal trong ngắn hạn với nhu cầu nhập khẩu gà nguyên con; về trung và dài hạn, De Heus sẽ từng bước hoàn thiện tất cả các quy trình để đạt được chứng nhận Halal. Nếu có thể khai thác tiềm năng xuất khẩu gia cầm sang các quốc gia Hồi giáo, đầu ra của nông dân sẽ được đảm bảo, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam giải quyết vấn đề cân bằng sản phẩm. Tín hiệu vui là một số thị trường Halal đã chủ động tìm nguồn cung cấp thịt gà từ Việt Nam. Có nhiều đơn vị đã đến khảo sát, đánh giá quy trình chăn nuôi, giết mổ của De Heus; kết quả là các đơn vị đều rất hài lòng, đánh giá cao và sẵn sàng hợp tác cũng như hỗ trợ De Heus hoàn thiện các quy trình để sớm nhập khẩu sản phẩm vào thị trường.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng thị trường Halal rất tiềm năng nhưng cũng tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Hiện tại chưa có sản phẩm chính thức nào của Việt Nam liên quan tới thịt được chứng nhận Halal và chưa có tiêu chuẩn về quản lý nhà nước đối với Halal. Năm 2023, Việt Nam có tổng đàn gia cầm lớn với hơn 550 triệu con, tăng 3% so với năm 2022; mục tiêu mà ngành chăn nuôi đặt ra trong năm 2024 là tổng sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,31 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2023. Với nguồn cung lớn như hiện nay, nếu các sản phẩm gia cầm của Việt Nam đạt được chứng chỉ Halal thì cơ hội xuất khẩu sang các nước Hồi giáo là không hề nhỏ.
Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus tại Việt Nam - Ảnh: Báo đầu tư
Một số điều doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang các nước Hồi giáo:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, phù hợp với các chuẩn mực, giá trị và thiêng luật của đạo Hồi theo kinh Qua'ran và luật Sharia trong sản xuất thì mới được cấp phép để có thể kinh doanh hoặc xuất khẩu các sản phẩm dành cho người Hồi giáo);
Thứ hai, thị trường Halal có những đặc thù rất riêng biệt mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải lưu ý như tại các nước Đông Nam Á, tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal, nhất là thịt gà do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện (Việt Nam do các tổ chức tư nhân chứng nhận). Các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu theo tiêu chuẩn Halal trong toàn bộ quy trình chăn nuôi, giết mổ như con giống phải được xác nhận, có bố mẹ nuôi theo quy trình Halal; gà nuôi từ 1 ngày tuổi đến khi giết mổ toàn bộ phải sử dụng thức ăn đạt tiêu chuẩn Halal; quy trình giết mổ theo quy định của Halal, trong đó đặc điểm lớn nhất là ngoài yêu cầu về an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật… thì phải có quy trình cầu nguyện trước khi giết mổ. Công việc này phải do người theo đạo Hồi giám sát và thực hiện; khâu phân phối, đóng gói cũng phải tuân theo hướng dẫn, tiêu chuẩn Halal …
Thứ ba, cần đặc biệt lưu ý thịt đạt tiêu chuẩn Halal khác thịt bình thường, với 5 dấu hiệu gồm: Người giết mổ phải nói trước từ Allah (nghĩa là Chúa trời); động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo; động vật phải còn sống trước khi giết mổ; thịt Halal không dính máu, sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra. Ngoài ra, động vật không được cho ăn những thức ăn làm từ động vật khác. Các động vật như bò, dê, cừu, nai, gà, chim, vịt được giết mổ theo đúng nghi thức Hồi giáo trên thì mới đạt chuẩn Halal.
Để khai thác tiềm năng xuất khẩu với thị trường Halal cho sản phẩm gia cầm Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Trong đó, Bộ đã có ý kiến đóng góp việc thành lập Trung tâm Halal Quốc gia đặt tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) để hỗ trợ về pháp lý, thủ tục, công nhận hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đi các thị trường Halal. Bộ cũng đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia làm việc với các cơ quan, tổ chức của Indonesia để trao đổi thông tin và phát triển thị trường thực phẩm Halal tại quốc gia Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn De Heus Việt Nam tập trung xuất khẩu thịt gà sang các nước Hồi giáo (thị trường Halal), phấn đấu đến tháng 5/2024, Tập đoàn De Heus Việt Nam sẽ ký văn bản hợp tác với 2 quốc gia Hồi giáo để xuất khẩu sản phẩm thịt gia cầm.