Thị trường xi măng ảm đạm
Khó khăn của ngành xi măng vẫn tiếp tục kéo dài từ năm ngoái đến nay trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi. Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), lượng tiêu thụ xi măng trong 7 tháng qua ở mức 32,4 triệu tấn, giảm 3% so với mức nền thấp kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn : Hiệp hội Xi măng Việt Nam
Tại hội thảo về xanh hoá ngành xi măng mới đây, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA, nhận định ngành này đang đối mặt với khó khăn vô cùng lớn khi tiêu thụ nội địa “vô cùng thấp và xuất khẩu gặp khó khăn”. Giá xi măng và clinker liên tục giảm, nhiều sản phẩm đang phải bán dưới giá thành sản xuất.
“Điều này đồng nghĩa ngành xi măng đang dần kiệt sức”, ông Cung nói.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VNCA, cho biết hiện nay đầu ra ở thị trường nội địa rất khó khăn. Như mọi năm, ở thời điểm hiện tại nhu cầu sử dụng xi măng rất cao nhưng năm nay thì trái lại, khiến nguồn cung tiếp tục dư thừa. Điều này buộc các doanh nghiệp tìm đến thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi xuất khẩu, xi măng Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Tại các thị trường này, xi măng cũng đang trong tình trạng dư cung nên bản thân họ cũng có nhu cầu xuất khẩu trong khi đó nếu so sánh Việt Nam xuất khẩu bị áp thuế 5% trong khi các nước khác không phải chịu thuế. Chưa kể, các nhà máy đang phải chịu sức ép về môi trường, yêu cầu phải đầu tư thêm thiết bị khiến chi phí tăng.
Bên cạnh đó, xi măng xuất khẩu của Việt Nam còn phải đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá. Theo cho biết từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 12/8 cục đã nhận được thông tin về việc Đài Loan (Trung Quốc) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Những điều khiện thị trường nước ngoài khó khăn khiến xuất khẩu xi măng cũng chưa thể phục hồi. Theo Tổng Cục Hải quan, lượng xi măng và clinker xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay gần như tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 18,3 triệu tấn. Trong đó, chỉ riêng tháng 7, lượng hàng xuất khẩu giảm 10% so với cùng kỳ.
Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Giá xi măng - clinker xuất khẩu tiếp tục giảm trong tháng 7, ở mức 38,8 USD/tấn, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Năm 2023 từng được đánh giá là giai đoạn khó khăn nhất của ngành xi măng kể từ thời điểm hình thành cách đây hơn 100 năm trước khinguồn cung xi măng trong nước vượt xa so với nhu cầu.
Nguồn cung xi măng cả nước năm 2023 khoảng 117,8 triệu tấn trong khitiêu thụ trong nước chỉ bằng 84% so với cùng kỳ 2022 (nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn).
Sang năm 2024, tình hình vẫn chưa cải thiện. Tính đến hết tháng 7, lượng tiêu thụ thậm chí còn thấp hơn mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.
“Còn 4 tháng nữa hết năm nhưng chưa chắc tình hình sẽ khá hơn năm ngoái. Trong hai năm qua, ngành xi măng đã có nhiều nhà máy đi vào hoạt động, tổng khối lượng tăng thêm khá nhiều trong khi thị trường vẫn yếu”,Phó Chủ tịchHiệp hội Xi măng Việt Nam lo lắng.
Kết quả kinh doanh kém khả quan
Tình hình thị trường vẫn ảm đạm khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa thể khá hơn. Đại diện Hiệp hội Xi măng từng đánh giá doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài dogặp khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ.
Hiệp hội Xi măng lo doanh nghiệp phá sản, bán mình
Điển hình như CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần quý II giảm 4,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 22% còn 45,8 tỷ đồng. Trước đó, trong quý I, công ty lỗ hơn 24 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 4, ban lãnh đạo công ty nhận định nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao do việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường bất động sản dù hồi phục nhưng chưa sôi động, giá điện tiếp tục tăng.
Lợi nhuận sau thuế của Vicem Hà Tiên (Nguồn: Wichart)
Nói về thời điểm ngành xi măng đảo chiều, Tổng giám đốc Vicem Hà Tiên ông Lưu Đình Cường cho biết đây là vấn đề vĩ mô nên không thể dự báo trước, chu kỳ kinh doanh mới phụ thuộc vào điều kiện vĩ mô thế giới và các chỉ đạo của Nhà nước.
"Hiện Bộ Xây dựng tâm huyết làm cao tốc trên cao tại miền Nam, nếu được đi vào triển khai thì nhu cầu xi măng sẽ tăng mạnh mẽ và Vicem Hà Tiên sẽ hưởng lợi lớn", ông Cường cho hay.
Tuy nhiên, khi nói về giá bán, cụ thể là xi măng cung cấp cho dự án sân bay Long Thành, ông Cường cho biết mặc dù vẫn cung cấp hàng cho dự án này như giá bán “rất chua chát” khi chỉ nhỉnh hơn chút so với giá thành sản xuất. Công ty vẫn phải cung cấp vì vấn đề thương hiệu, và có thêm số lượng để nhà máy hoạt động liên tục để giảm chi phí cố định.
CTCP Xi măng Vicem Hải Vân ghi nhận 5 quý lỗ liên tiếp. Trong đó, riêng trong quý II năm nay, công ty 9,5 tỷ đồng và doanh thu giảm 42% so với cùng kỳ xuống 97 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực là mức lỗ của quý II thấp nhất trong 5 quý gần đây.
CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn cũng ghi nhận 6 quý lỗ liên tiếp. Trong đó, quý II lỗ 40 tỷ đồng, gấp đôi mức lỗ của cùng kỳ năm ngoái là 17,2 tỷ đồng.
Hiện tại, khối các công ty xi măng thuộc Vicem chiếm thị phần lớn nhất với 30,8%. Vicem có 10 nhà máy sản xuất xi măng với 16 dây chuyền sản xuất, công xuất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng/năm.
Nguồn:VNCA (H.Mĩ tổng hợp)
Trong khi đó, vẫn có một vài điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp. Điển hình như CTCP Xi măng Bỉm Sơn trong quý II năm nay lần đầu tiên có lãi sau 7 quý lỗ liên tiếp. Doanh thu tăng 14% lên 1.020 tỷ đồng, mức cao nhất trong 7 quý.
Nguồn: Wichart
Hay như CTCP Xi măng La Hiên VVMI ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên 12 tỷ đồng. Doanh thu của công ty này tăng 3% trong quý II lên 163 tỷ đồng.
Kỳ vọng vào đầu tư công và các dự án nhà ở xã hội
Trong ngắn hạn,Phó Chủ tịch VNCA vẫn kỳ vọng rằng các dự án đầu tư công sẽ thúc đẩy tiêu thụ xi măng từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, chỉ thị mới đây của Thủ tướng trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng sẽ góp phần giúp chặng đường phục hồi dễ dàng hơn.
Cụ thể ngày 26/8, Thủ tướng gửi Chỉ thị 28 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành vật liệu xây dựng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
Một nội dung mà các doanh nghiệp xi măng chờ đợi đó chính là Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clinker xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, đồng thời phù hợp với hiệp định CPTPP về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hoá với các nước ký kết.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác để tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, sử dụng tối đa gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ tại khu vực đầu cầu, cống, các vị trí có chiều cao đắp lớn, các vị trí có chiều sâu đất yếu lớn.
Ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn miền núi, khu vực địa hình khó khăn, độ dốc lớn và tại những vùng, khu vực thường xuyên bị ngập nước.
Đại diện Vicem Hà Tiên kỳ vọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn của chính phủ về chính sách tiền tệ, lãi suất; Quốc hội thông qua Luật đất đai và Bộ Tài nguyên Môi trường thí điểm một số cơ sở nhà đất chuyển sang nhà ở xã hội sẽ giúp thị trường bất động sản ấm dần lên. Từ đó giúp nhu cầu xi măng những quý còn lại tăng so với quý I.
Về dài hạn, Phó Chủ tịch VNCA cho rằng tiêu thụ xi măng của Việt Nam chưa đạt đỉnh và vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng: "Thông thường một nước đang phát triển, mức độ tiêu thụ xi măng khoảng 1.000 kg/người/năm. Tuy nhiên, Việt Nam mới ở mức khoảng 600 kg/người/năm. Các kết cấu hạ tầng, giao thông nhà ở vẫn thấp. Do đó, tiêu thụ xi măng sẽ còn tăng lên. Tuy nhiên, tăng ở thời điểm nào sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có cơ chế chính sách", ông nói.