Cuối tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản số 7209/BCT-KHCN góp ý Luật Bảo vệ môi trường gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, Bộ góp ý đối với Luật Bảo vệ môi trường một số nội dung chính về: Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30); Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) (Điều 31, 34 và 36); Giấy phép môi trường (GPMT) (Điều 40, 41 và 43); Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường (Điều 82); Phát triển ngành công nghiệp môi trường và dịch vụ môi trường (Điều 144 và 145); Cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường (Điều 116 và 119); Trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 172)…
Theo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, thời hạn của Giấy phép môi trường quy định là 7 năm... không quy định thời hạn tương ứng với quy mô xả thải của dự án. Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất nên xem xét quy định thời hạn ít nhất là 10 năm để phù hợp với vòng đời dự án và để doanh nghiệp có đủ thời gian đầu tư, thay đổi công nghệ thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường mới.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định thời điểm cấp giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm chưa có tính thực tế do trong thời gian vận hành thử nghiệm có thể phải thay đổi công nghệ xử lý chất thải để đáp ứng các quy chuẩn môi trường, nếu cấp phép trước khi vận hành thử nghiệm thì có thể sẽ không đảm bảo được tính chính xác và ổn định trong nội dung giấy phép. Bộ Công Thương đề nghị nên quy định thời điểm cấp phép trước khi dự án đi vào vận hành thương mại.
Về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường (Điều 82), với quan điểm “tái sử dụng phế liệu, chất thải, và coi đó là tài nguyên”, Bộ Công Thương xác định, việc tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ, chất từ các ngành công nghiệp như: tro, xỉ, thạch cao, bụi thép từ nhà máy điện, hóa chất, phân bón, thép là cần thiết. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy định: “Đối với các loại chất thải đặc thù và sản phẩm phụ của các ngành công nghiệp khác đã được hợp chuẩn, hợp quy thì được quản lý như đối với sản phẩm, hàng hóa”.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ được nêu trong Dự thảo, liên quan đến nội dung quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung “hạn chế phát thải khí nhà kính” thành “kiểm kê, kiểm soát và hạn chế phát thải phát thải khí nhà kính, ban hành quy định về hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra”.
Hồng Hạnh

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương