Hội nghị nhằm rà soát việc thực hiệncác kết quả đã thỏa thuận tại Phi-líp-pin năm 2015 và thúc đẩy việc triển khaicác ưu tiênvà sáng kiến cơ bản của APEC năm 2016 để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima, Pê-ru vào tháng 11 năm 2016.Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh làm Trưởng đoàn,cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Namtại Bra-xin kiêm nhiệm Bô-li-vi-a, Pê-ru, Guy-a-na Nguyễn Văn Kiền và đại diện của các Bộ: Công Thương, Ngoại giao và Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế đã tham dự Hội nghị.
Lần thứ hai đăng cai APEC sau 8 năm, Pê-ru chọn chủ đề cho APEC năm 2016 là: “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực”,với bốn ưu tiên chính bao gồm: (i) Thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tăng trưởng; (ii) Củng cố thị trường lương thực khu vực; (iii) Quốc tế hóa các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (DNNVV); và (iv) Phát triển nguồn nhân lực.Nhằm hiện thực hóa chủ đề và các nội dung ưu tiên trên, MRT 22 đã tập trung thảo luận những nội dung chính:(i) ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; (ii) thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực (REI) và (iii) quốc tế hóa các DNNVV và Chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs). Cụ thể:
Một là, về ủng hộ hệ thống thương mại phương:Hội nghị đã nghe Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Rô-béc-tô A-zê-vê-đô cập nhật diễn biến đàm phán Vòng Đô-ha thời gian qua.Nhận thức được tầm quan trọng của Hệ thống Thương mại Đa phương và Vòng đàm phán Đô-ha, MRT 22 đã thông qua “Tuyên bố của Chủ tịch về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương”,trong đó kêu gọi các thành viên WTO tiếp tục nỗ lực thực hiện các gói cam kết Bali và Nairobi, gia hạn cam kết hạn chế áp dụng các biện pháp bảo hộ và bóp méo thương mại cho tới năm 2020,thúc giục các thành viên APEC còn lại nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định Thuận lợi hoá thương mại (TFA) và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ(TRIPS). Phát biểu tại MRT 22, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh sự ủng hộ của Việt Nam đối với hệ thống thương mại đa phương và WTO thông qua việc ta đã phê chuẩn Hiệp định TFA vào tháng 12 năm 2015, đồng thời kêu gọi các thành viên APEC chưa phê chuẩn Hiệp định này có hành động kịp thời để giúp Hiệp định TFA sớm đi vào hiệu lực.
Hai là, về tăng cường hội nhập kinh tế khu vực (REI): MRT 22thảo luận tiến trình dự thảo Nghiên cứu Chiến lược Chung về Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) bao gồm 9 chương. MRT 22 đã thông qua Dự thảo 8 Chương đầu và chỉ đạo các quan chức cao cấp (SOM) nỗ lực hoàn thiện Chương 9 (Chương các khuyến nghị chính sách) để có thể hoàn thiện Nghiên cứu trong năm 2016 trình các Nhà Lãnh đạo APEC thông qua tại Hội nghị Cấp cao 24 cuối năm 2016 tại Lima.
MRT 22 cũng khẳng định việc hoàn thành mục tiêu Bô-go vào năm 2020 là mục tiêu cần được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, các Bộ trưởng nghe báo cáo kiểm điểm giữa kỳ của APEC vềkết quả thực hiện mục tiêu Bô-gonăm 2016 nhằm xác định các rào cản còn tồn tại gây cản trở đến thương mại và đầu tư trong khu vực. Các Bộ trưởng chỉ đạo SOM nỗ lực để hoàn thành báo cáo kiểm điểm giữa kỳ và các khuyến nghị trình lên các nhà Lãnh đạo APEC vào tháng 11 tới. Các Bộ trưởng cũng chỉ đạo SOM tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác về kết nối APEC trên cả ba trụ cột: kết nối hạ tầng, thể chế và con người, Kế hoạch Hành động về Kết nối Chuỗi cung ứng và Lộ trình Cạnh tranh Dịch vụ APEC nhằm triển khai Khuôn khổ Hợp tác Dịch vụ APEC đã được thông qua tại HNCC 23 năm 2015 v.v.
Phát biểu tại MRT 22, Việt Nam tích cực ủng hộ APEC tiếp tục tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, thông báo ta đã và đang tích cực cùng Hàn Quốc triển khai sáng kiến CBNI giai đoạn 2 thông qua việc tổ chức hàng loạt khoá đào tạo về nâng cao kỹ năng đàm phán FTAs trong hàng loạt lĩnh vực như: Môi trường, Sở hữu trí tuệ, Mua sắm chính phủ, SPS và TBT v.v.

Ba là, về hiện đại hóa các DNNVV và GVCs: Ghi nhận tầm quan trọng của DNNVV đối với tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội,MRT 22 thảo luận và đưa rađịnh hướng triển khai Chương trình hành động Bô-ra-cay nhằm toàn cầu hóa các doanh nghiệp DNNVV. MRT 22 nhấn mạnh APEC cần tiếp tục hỗ trợ các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các Bộ trưởng hoan nghênh các sáng kiến đang và sẽ được triển khai trong lĩnh vực này như các Sáng kiến về Hỗ trợ các DNNVV tham gia vào Chuỗi giá trị toàn cầu trong một số ngành Công nghiệp và Dịch vụ quan trọng. Việt Nam là một trong các thành viên tích cực tham gia sáng kiến này, trong đó ta chủ trì hoạt động về “Thúc đẩy DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị Dệt may toàn cầu” và sẽ tiếp tục tham gia sáng kiến tương tự trong lĩnh vực dịch vụ.

Tại MRT 22, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có bài phát biểu đánh giá thành công của Hội nghị MRT 22, đồng thời có lời mời các Bộ trưởng Thương mại APEC sang Việt Nam tham dự hội nghị MRT 23 năm 2017. Ta cũng đã trình chiếu một đoạn băng hình (video clip) giới thiệu về đất nước, con người và các thành tựu kinh tế - thương mại của Việt Nam.
Bên lề MRT22, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã tham dự Phiên làm việc của các Trưởng đoàn và Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương/Vụ Thị Chính sách thương mại đa biên