Toàn cảnh Hội nghị giao bán trực tuyến

Sản xuất công nghiệp ổn định

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với tháng 4 năm 2015. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất tăng 7,3% so với năm 2015, thấp hơn so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 tăng 36,5% so với tháng 2 năm 2016 và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2%, thấp hơn so với mức tăng 13,9% của cùng kỳ.

Tại thời điểm ngày 01 tháng 4 năm 2016, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9% so với cùng thời điểm, thấp hơn mức tăng 11,3% của cùng kỳ năm trước

Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm nhìn chung ổn định, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn còn thấp hơn so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ. Nguyên nhân được nhận định là do ngành khai khoáng tiếp tục giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; tồn kho ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn 2,4 điểm phần trăm). Tiêu thụ của ngành thấp hơn cùng kỳ năm trước khiến sản xuất tăng trưởng không cao.

Với 14,1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 được nhận định tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh ở nhóm nguyên liệu khoáng sản.

Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng năm 2016 đạt 51,4 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng cần nhập khẩu giảm 2,3%. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 11,3%, cao hơn mức tăng 9,1% của năm 2015 so với năm 2014. Trong 4 tháng đầu năm, ước xuất siêu sang thị trường Nhật Bản đạt 200 triệu USD và nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước đạt 8,9 tỷ USD.

Nhận định được ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đưa ra cho biết, khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất vay từ đồng ngoại tệ của các doanh nghiệp nước ngoài cao. Bên cạnh đó, thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng khiến chênh lệch lãi suất là 4%, điều này rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Về con số xuất nhập khẩu trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng mức tăng trưởng thấp, tuy nhiên xét trong bối cảnh chung của thế giới thì kết quả đó vẫn được xem là tích cực. Vấn đề ở đây là cần đánh giá năng lực, rào cản làm hạn chế sự phát triển bền vững cũng như cạnh tranh của sản phẩm để có hướng khắc phục, khai thác thị trường, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trong tháng 4 ước đạt 279,8 nghìn tỷ đòng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 1.138,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,33% so với tháng 3 năm 2016 và tăng 1,89% so với tháng 4 năm 2015. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016 tăng 1,41% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong công tác hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã chuẩn bị phương án tham dự Hội nghị Quan chức Kinh tế ASEAN lần thứ 2 năm 2016 tại Malaysia; tham dự đàm phán nội bộ ASEAN của Nhóm Công tác về Dịch vụ; tham gia Nhóm đầu tư trong Phiên họp giữa kỳ, chuẩn bị phương án và tham dự phiên Đàm phán thứ 12 tại Ốt-xtrây-li-a. Bộ Công Thương đã ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do với EU. Rà soát Hiệp định TPP với hệ thống Pháp luật Việt Nam. Phối hợp với EU triển khai rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA.

Đối với công tác quản lý thị trường, trong tháng 4 năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 13.000 vụ, phát hiện xử lý trên 6.500 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 41 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 53.000 vụ, phát hiện trên 34.000 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách trên 180 tỷ đồng.

Bộ Công Thương xử lý hiệu quả sự cố cá chết bất thường tại miền trung

Báo cáo tại buổi giao ban về tình hình cá chết bất thường tại các tỉnh miền trung, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã chỉ đạo nhanh chóng xử lý hậu quả cá chết ở miền trung, tham gia xác định nguyên nhân kịp thời và nhanh chóng. Thành lập đường dây nóng hỗ trợ thông tin thu mua hải sản. Chỉ đạo Cục Hóa chất rà soát hoạt động quản lý hóa chất, sử dụng hóa chất tại các nhà máy lớn. Chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân lưu trữ, thu mua, tiêu thụ. Các đơn vị thuộc Bộ đã vận động rà soát năng lực lưu trữ xung quanh, vận động các đơn vị thu mua tiêu thụ tại chỗ. Duy trì thiết lập điểm tiêu thụ, xác định độ an toàn sản phẩm đánh bắt.

Bộ Công Thương đã nắm bắt đầy đủ, đánh giá vấn đề, xử lý tại chỗ hiệu quả giúp giảm bớt xử lý tình huống phát sinh.

Bộ Công Thương mở đường dây nóng hỗ trợ ngư dân tiêu thụ cá

Ảnh: ST

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết thêm, trong các phiên họp, Chính phủ đã đánh giá cao Bộ Công Thương về tinh thần trách nhiệm cũng như các biện pháp triển khai kịp thời đối với hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian qua. Việc ứng phó, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân có ý nghĩa lớn trong bối cảnh tâm lý người dân hoang mang, gây bức xúc cho nhân dân, dễ có nguy cơ bùng nổ sự cố xã hội.

“Sự việc xảy ra trong thời gian qua cũng là bài học chung cho cả hệ thống trong ứng phó với sự cố về môi trường, có tác động trên diện rộng cả về địa lý cũng như xã hội” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Một trong những nội dung được quan tâm tại cuộc họp giao ban là tình hình buôn lậu thuốc lá diễn ra trong thời gian qua. Báo cáo về vấn đề này, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chia sẻ, từ đầu 2016, do nhiều lý do công tác chống buôn lậu bị buông lỏng, toàn ngành sản xuất giảm khiến nộp ngân sách giảm. Có những đơn vị giảm 20-30%.

Tình hình buôn lậu thuốc lágia tăng trở lạitrong những tháng đầu năm 2016

Ảnh: Tiền phong

Trước tình trạng này, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam kiến nghị, trong thời gian tới cần tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt chống buôn lậu thuốc lá. Bên cạnh đó, hiện nay, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá còn thừa nhiều. Trong khi các lực lượng chức năng thiếu kinh phí. Hiệp hội Thuốc lá kiến nghị nên chuyển nguồn Quỹ này sang Bộ Tài chính, vì đơn vị này mới có chức năng điều phối.

Không để xảy ra tình trạng thiếu điện trong mùa khô

Đối với lĩnh vực điện, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sản xuất điện tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động văn hóa xã hội, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân tại các địa phương.

Trong tháng 4, điện sản xuất ước đạt 14,5 tỷ kWh, tăng 12,1% so với tháng 4 năm 2015. Tính chung 4 tháng đầu năm, điện sản xuất ước đạt 53,1 tỷ kWh, tăng 12,1%; điện thương phẩm tháng 4 ước đạt 13,6 tỷ kWh, tăng 13,4%. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 48,7 tỷ kWh, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định, tháng 5 và tháng 6 tiếp tục là những tháng cao điểm của mùa khô. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang vận hành các hồ thủy điện, đảm bảo nước cho sản xuất và dân sinh. “Tuy tình hình khó khăn, nhưng điện sẽ đảm bảo, không để xảy ra tình trạng thiếu điện. Phấn đầu đưa các nhà máy vào sản xuất” - ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp về tiết kiệm điện, hoàn thành mạng lưới điện nông thôn, quy hoạch sơ đồ điện 7 hợp lý và hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến

Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, về công tác tiết kiệm điện, đề nghị Tổng cục Năng lượng phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch triển khai hiệu quả. “Trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp về cách thức tổ chức thực hiện vì tiết kiệm năng lượng phải hướng vào hiệu quả chứ không phải gây khó khăn cho thương mại và sản xuất” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực điện nông thôn, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Năng lượng có chương trình làm việc sớm với các nhà tài trợ đảm bảo hiệu quả và mục tiêu của Dự án. Cần phải làm rõ tiêu chí ưu tiên trong dự án điện nông thôn để có lộ trình phù hợp.

Về sơ đồ điện 7, cuối tháng 5 tới đây, Bộ sẽ có cuộc họp để báo cáo cũng như định hướng bổ sung trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng lưu ý thêm, đối với sự cố đổ đường dây tại Bắc Giang trong thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần thành lập tổ công tác kiểm tra đánh giá về sự cố, bản chất, nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý. Cần kiểm tra tính an toàn của cả tuyến.

Tập đoàn Điện lực cũng cần đánh giá tiến độ dự án trọng điểm để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm nay. Có kế hoạch triển khai cung cấp điện để đảm bảo yêu cầu cung ứng điện. Trong quá trình triển khai cần lưu ý đến ảnh hưởng của môi trường. Lưu ý các dự án không chấp hành nghiêm túc về môi trường.

Về các hồ thủy điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần có phương án điều tiết hồ chứa trong tình trạng khô hạn kéo dài. Đồng thời chủ động phương án trong phát điện cũng như các yêu cầu trong sinh hoạt cũng như sản xuất.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương